Diễn đàn Logistics 2025 góp phần định hướng chiến lược phát triển ngành logistics trong thời gian tới

Các chuyên gia chia sẻ tại chương trình

Trong năm 2024, tổng giá trị thương mại toàn cầu đạt gần 33 nghìn tỷ USD, tăng 3,3%. Riêng Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 432 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt gần 220 tỷ USD, nhập khẩu hơn 212 tỷ USD, xuất siêu hơn 7 tỷ USD, những con số cho thấy sức bật mạnh mẽ và khả năng thích ứng vượt trội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đầy biến động.

Bên cạnh các tín hiệu tích cực, ngành logistics Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ chi phí, hạ tầng, quy chuẩn đến các ràng buộc thương mại mới. Tuy nhiên, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 43/139 toàn cầu và thứ 5 trong ASEAN (theo L.PT 2023). Quy mô thị trường logistics hiện đạt khoảng 45–50 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 12–14%/năm. Cùng với đó, việc phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan và vận tải đa phương thức đang đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả cho các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, nông – thủy sản.

Tại diễn đàn, TS. Đinh Thị Bảo Linh – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đã có trình bày về logistics thích ứng với bối cảnh quy định, chính sách mới: Xu hướng quốc tế, yêu cầu cấp bách trong nửa cuối năm 2025 và gợi ý đối với Việt Nam.

Theo TS. Đinh Thị Bảo Linh, các biến động chính sách thương mại, địa chính trị và tiêu chuẩn môi trường đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách thủ tục, nâng cấp hạ tầng và chủ động hội nhập để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại diễn đàn cũng ghi nhận nhiều chia sẻ giá trị từ các đối tác quốc tế. Đại diện Ban Quản lý Cảng Thanh Đảo (Trung Quốc) giới thiệu kinh nghiệm phát triển cảng hiện đại và mạng lưới logistics liên kết châu Á – Âu. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã nêu rõ kỳ vọng của doanh nghiệp FDI đối với hệ sinh thái logistics Việt Nam, trong đó nhấn mạnh yếu tố minh bạch, số hóa và kết nối xuyên suốt giữa các khâu trong chuỗi cung ứng.

 Các diễn giả đến từ Pháp, Trung Quốc và Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm, kiến nghị chính sách và giải pháp ứng dụng nhằm thúc đẩy hệ sinh thái logistics phát triển đồng bộ, bền vững hơn.

Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013 đến nay. Trước đó, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 đã được tổ chức với chủ đề “Khu thương mại tự do – Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”. Vì vậy, Diễn đàn năm nay tiếp tục là dịp để các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, cập nhật xu hướng và đề xuất giải pháp phát triển ngành logistics theo hướng bền vững và hội nhập sâu rộng.

HỒNG SƠN