Đáp ứng hầu hết các tiêu chí để nâng hạng thị trường
Ông Hoàng Văn Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, UBCKNN đã và đang nỗ lực để đạt được mục tiêu nâng hạng trong kỳ đánh giá của FTSE Russell vào tháng 9 tới, với nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài và đáp ứng các tiêu chí đánh giá của tổ chức xếp hạng.
Cụ thể, UBCKNN hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kỹ thuật, tiếp xúc với các tổ chức xếp hạng và nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài để chia sẻ về thực trạng, trình độ phát triển của thị trường hiện nay. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC về hoạt động giao dịch không ký quỹ (NPF), được các NĐT, tổ chức nước ngoài đánh giá cao. Đây cũng là tiền đề để thiết lập cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP).
UBCKNN cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2025/TT-NHNN nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong khâu mở tài khoản giao dịch.
Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trải nghiệm của NĐT nước ngoài tại TTCK Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng trong các tiêu chí để đánh giá nâng hạng thị trường. Do đó, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN tổ chức đối thoại thường xuyên với các tổ chức xếp hạng TTCK, NĐT để cập nhật các kết quả cải cách TTCK cũng như lắng nghe các kiến nghị của NĐT khi tham gia vào TTCK Việt Nam.
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN thông tin thêm, có thể nói đến thời điểm này Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí để nâng hạng thị trường. Song, việc được nâng hạng hay không phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá, trải nghiệm của NĐT nước ngoài. “Chúng tôi thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi với NĐT nước ngoài và họ có đánh giá tích cực với cải cách, cố gắng của Chính phủ. Ví như áp dụng cơ chế NPF cho NĐT nước ngoài giúp tăng số lượng giao dịch” - ông Hải nói.
Tăng cường minh bạch hóa công bố thông tin
Ông Hải khẳng định, nâng hạng không phải đích đến mà phải tiếp tục giải pháp duy trì xếp hạng và hướng đến xếp hạng cao hơn cho TTCK Việt Nam. Và thứ hạng cao nhất mà TTCK Việt Nam hướng đến là ngày càng minh bạch, công bằng, hiện đại đáp ứng chức năng kênh thu hút và phân bổ vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Để làm được việc này, cần phải có thêm nhiều nguồn hàng chất lượng nhằm hút được nhiều NĐT cũng như các tổ chức nước ngoài.

“Chúng ta phải tăng cường minh bạch hóa công bố thông tin, phát triển sản phẩm xanh sạch, ESG phù hợp với các quỹ hiện nay, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để NĐT nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn. Trong thời gian vừa qua, nhờ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, việc mở tài khoản thanh toán, tài khoản đầu tư gián tiếp của khối ngoại thuận lợi hơn” - ông Hải nói.
Tại cuộc làm việc mới đây với Tổ chức FTSE Russell nhằm trao đổi trực tiếp về tiến độ cải cách, định hướng nâng hạng TTCK Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, theo hướng công khai, minh bạch tỷ lệ sở hữu nước ngoài và loại bỏ các quy định không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động chào bán và phát hành chứng khoán, qua đó, góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường, mở rộng quy mô vốn hóa và nâng cao tính hấp dẫn của thị trường đối với NĐT trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ rà soát tổng thể, đánh giá tình hình hoạt động và tiềm năng cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Tài chính, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để xây dựng phương án cụ thể, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để rà soát kỹ lưỡng danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện, với mục tiêu thu hẹp hợp lý các ngành nghề hạn chế tiếp cận; đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát các ngành nghề của mình; cắt giảm các ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký nhưng không phát sinh hoạt động kinh doanh trên thực tế; tập trung các ngành nghề chính và rà soát chi tiết ngành nghề để tăng tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài vào doanh nghiệp.