Ngày 29/4, tại kỳ họp chuyên đề thứ 22, HĐND Tp.Hà Nội đã thông qua chủ trương đầu tư cho hai dự án hạ tầng giao thông trọng điểm: Dự án xây dựng đường kết nối cầu Tứ Liên và Dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi cùng đường dẫn hai đầu cầu.
Tăng tốc kết nối giao thông Bắc sông Hồng với dự án đường nối cầu Tứ Liên
Dự án đường kết nối từ nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Trường Sa đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được triển khai tại các xã Đông Hội, Mai Lâm, Dục Tú, Liên Hà (huyện Đông Anh) trong giai đoạn 2025 - 2027. Đây là dự án nhóm A với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 5.076 tỷ đồng, chia đều giữa ngân sách Tp.Hà Nội và huyện Đông Anh.
Mục tiêu của dự án là cụ thể hóa các quy hoạch phát triển Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời giải quyết bài toán hạ tầng giao thông cho khu vực phía Bắc sông Hồng – nơi hiện vẫn phụ thuộc vào các cây cầu hiện hữu như Thăng Long, Đuống, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương.

Vị trí xây dựng cầu Tứ Liên.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu nhận định, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, việc đầu tư tuyến đường kết nối cầu Tứ Liên là hết sức cấp thiết nhằm giảm tải áp lực giao thông, tăng khả năng liên kết giữa trung tâm thành phố với các khu vực dân cư phía Bắc cũng như tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình trong tương lai.
Ngoài ra, tuyến đường này còn đóng vai trò là trục kết nối quan trọng giữa đường Trường Sa, cầu Tứ Liên với Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, mở ra tiềm năng phát triển không gian đô thị và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến.
Cầu Ngọc Hồi: mắt xích chiến lược trên tuyến Vành đai 3,5
Cùng ngày, HĐND Tp.Hà Nội cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu – công trình quy mô lớn kết nối Hà Nội và Hưng Yên, nằm trên tuyến Vành đai 3,5. Dự án được triển khai từ năm 2025 đến 2028, với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 11.844 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và thành phố.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 7,5km (trong đó 5,4km nằm trên địa bàn Hà Nội và 2,1km thuộc tỉnh Hưng Yên), điểm đầu từ Thanh Trì (Hà Nội) đến điểm cuối tại Văn Giang (Hưng Yên). Riêng cầu chính vượt sông Hồng dài khoảng 680m, với mặt cắt ngang tuyến rộng từ 60 đến 80m.
Cầu Ngọc Hồi sẽ kết nối trực tiếp với đường Vành đai 3,5 và loạt trục giao thông hướng tâm của Thủ đô như QL32, Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương, QL1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… giúp giảm tải áp lực giao thông qua nội đô và phân luồng hợp lý cho phương tiện di chuyển từ Bắc - Tây Bắc về phía Nam - Đông Nam Hà Nội.
Ngoài vai trò giao thông, dự án còn mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển liên vùng, khi tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các khu đô thị lớn của Hưng Yên như Ecopark, Đại An, Dream City; từ đó mở rộng không gian phát triển đô thị và kinh tế khu vực phía Nam và Đông Nam Thủ đô.