“Ngân hàng ngầm” trên thị trường chứng khoán: Khi margin vượt lên vai trò chính yếu

07/05/2025 13:30

Dư nợ margin tăng vọt lên gần 280.000 tỷ đồng, nhiều công ty chứng khoán dần “ngân hàng hoá” khi cho vay là nguồn thu chính. Trong khi đó, mảng môi giới - vốn từng là trụ cột lại ngày càng teo tóp vì cuộc đua giảm phí.

Margin bùng nổ...

Tại thời điểm cuối quý I/2025, ước tính dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 35.00 tỷ đồng so với hồi đầu năm

Đây là quý tăng trưởng thứ 9 liên tiếp của hoạt động cho vay margin, tính từ quý I/2023. Tuy nhiên, chỉ có 4 công ty chứng khoán duy trì được chuỗi tăng trưởng liên tục trong giai đoạn này, đáng chú ý có TCBS và ACBS.

Một số công ty ghi nhận mức tăng mạnh về dư nợ margin trong quý I/2025 gồm SSI, TCBS, VPS, KIS Việt Nam, VCBS, VPBankS.

Tính trên toàn thị trường, tổng dư nợ margin hiện tương đương 97,6% vốn chủ sở hữu toàn ngành, vẫn còn thấp hơn mức trần 200% theo quy định. Tuy nhiên, tỉ lệ này đã chạm ngưỡng rất cao tại một số công ty lớn như MASC (183%), HSC (195%), VPS (158%) và MBS (164%).

Cái tên mới xuất hiện trong top công ty chứng khoán cho vay margin cao nhất

Theo thống kê của Người Đưa Tin, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là công ty có dư nợ cho vay lớn nhất toàn ngành.

Tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ cho vay của TCBS đạt mức kỷ lục 30.472 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối quý trước. Tỉ lệ dư nợ cho vay trên tổng vốn chủ sở hữu của TCBS ở mức 1,1 lần.

Nhờ đó, thu nhập từ lãi các khoản cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán của TCBS trong quý đầu năm đạt gần 718 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng thứ hai là Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) với dư nợ cho vay 26.919 tỷ đồng, tăng 5.104 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong kỳ, lãi từ các khoản cho vay và phải thu là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh khi tăng 40% lên 628 tỷ đồng, song doanh thu môi giới và danh mục HTM lại giảm mạnh.

Dù dư nợ cho vay ký quỹ của Chứng khoán Tp.HCM (HSC) có giảm nhẹ, nhưng công ty chứng khoán này vẫn đứng thứ ba toàn ngành với 20.390 tỷ đồng.

Trong quý đầu năm, HSC ghi nhận lãi các khoản cho vay và phải thu đạt 523 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, mảng môi giới của công ty lại giảm 23% xuống 164 tỷ đồng và mảng tự doanh giảm 31% xuống 111 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Chứng khoán VPS ghi nhận nhiều điểm sáng từ hoạt động tự doanh và lãi từ các khoản cho vay, song mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho công ty.

Hoạt động cho vay của VPS khởi sắc khi lãi từ cho vay và phải thu đạt 503 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tại ngày 31/1/2025, dư nợ cho vay của VPS ghi nhận hơn 18.337 tỷ đồng, tăng tới 5.844 tỷ so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay margin với 18.000,9 tỷ đồng, đây là con số kỷ lục của doanh nghiệp từ khi hoạt động.

... môi giới "hắt hơi"

Trái ngược với xu hướng bùng nổ của margin, mảng môi giới lại chứng kiến sự đi xuống, hé lộ những chuyển động âm thầm trong cơ cấu lợi nhuận của khối công ty chứng khoán.

Nguyên nhân chính đến từ cuộc đua giảm phí môi giới khốc liệt, đặc biệt từ nhóm công ty chứng khoán nước ngoài và các nền tảng giao dịch online. Không ít công ty đã áp dụng chính sách "zero fee", khiến biên lợi nhuận từ dịch vụ truyền thống này bị bào mòn đáng kể.

Đơn cử như Chứng khoán VPS, dù vẫn chễm chệ giữ ngôi đầu bảng với 16,94% thị phần toàn ngành trong quý I/2025, nhưng doanh thu môi giới của công ty lại giảm tới 40% so với cùng kỳ xuống 579 tỷ đồng.

Chi phí môi giới của công ty cũng giảm 30% xuống 497 tỷ đồng. Như vậy, mảng này đem về 82 tỷ đồng cho VPS, thấp hơn 67% so với con số 252 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Chứng khoán SSI ghi nhận doanh thu môi giới giảm 31% xuống 311,7 tỷ đồng trong quý đầu năm. Song lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm 20% xuống gần 84,6 tỷ đồng.

Nhờ lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng cao cùng mảng tự doanh khởi sắc, SSI đã ghi nhận lãi sau thuế tăng 12% so với cùng kỳ lên 819 tỷ đồng.

Hay như Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS), doanh thu môi giới thu hẹp 36% xuống 52 tỷ đồng là một trong những nguyên nhân kéo kết quả kinh doanh quý I của công ty đi lùi.

Trong khi đó, lãi tài sản ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) lại nhích nhẹ lên 369,5 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay cũng tăng 6% lên 128 tỷ đồng.

Cảnh báo xu hướng "shadow banking"

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, ông Trần Phúc Vinh - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VietinBank khẳng định công ty sẽ không điều chỉnh kế hoạch tăng lãi trong năm nay dù đã hoàn thành tới 40% mục tiêu sau 1 quý.

Ông chỉ ra thực trạng, dù dư nợ margin trong quý đầu năm đều tăng lên, nhưng doanh thu hay lợi nhuận của doanh nghiệp đều đi xuống. Bởi các công ty chứng khoán nói chung và Chứng khoán VietinBank nói riêng đang thực hiện hạ lãi suất margin vì sự cạnh tranh hiện đang rất cao, điều này ảnh phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.

Đánh giá về tình hình dư nợ margin tăng cao trpng quý I/2025, của Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc điều hành chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh CTCK DSC cho rằng, nhà đầu tư đang sử dụng công cụ đòn bẩy (margin) tương đối lớn để đánh cược đà đi lên của thị trường chung, đồng thời cân lại với áp lực bán ròng triền miên của khối ngoại.

“Ngân hàng ngầm” trên thị trường chứng khoán: Khi margin vượt lên vai trò chính yếu- Ảnh 1.

Việt Nam hiện là thị trường có tỉ lệ margin/vốn hóa cao nhất thế giới và cần có những định hướng rõ ràng hơn về hoạt động cho vay tại các công ty chứng khoán.

Thị trường tỏ ra tương đối bị động trước những biến động toàn cầu, dẫn đến lượng hàng bị kẹp margin là không nhỏ.

Thứ hai, dư nợ margin trên thị trường chứng khoán từ lâu còn được xem là kênh thay thế một phần cho kênh ngân hàng. Đây được gọi là xu hướng "ngân hàng hoá" công ty chứng khoán hay ở một góc độ nào đó có thể coi là "shadow banking" trong bối cảnh việc tiếp cận vốn vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn hơn.

Dư nợ cho vay tại công ty chứng khoán khi ấy được sử dụng nhằm phục vụ các cổ đông lớn vay vốn thông qua việc thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy cho nhà đầu tư chứng khoán.

Theo ông Huy, Việt Nam hiện là thị trường có tỉ lệ margin/vốn hóa cao nhất thế giới và cần có những định hướng rõ ràng hơn về hoạt động cho vay tại các công ty chứng khoán, tránh rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư khi gặp những cú sốc lớn.

Đáng nói, dù dư nợ cho vay cao kỷ lục, doanh thu môi giới lại sụt giảm quý thứ 3 liên tiếp. Tính riêng trong quý I/2025 các công ty chứng khoán thu từ môi giới gần 2.700 tỷ đồng, giảm gần 1.200 tỷ đồng, tương đương giảm 31% so với cùng kỳ 2024.

Điều này càng phản ánh việc dư nợ cho vay được sử dụng như "shadow banking" chiếm tỉ trọng tương đối lớn. Dòng vốn vay không được sử dụng vào đầu tư chứng khoán khi nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hứng thú gia nhập.

Bạn đang đọc bài viết "“Ngân hàng ngầm” trên thị trường chứng khoán: Khi margin vượt lên vai trò chính yếu" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).