Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

15/03/2024 17:00

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan”.

Tiêu dùng & Dư luận - Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Bột ngọt Ajinomoto thật (bên trái), bột ngọt Ajinomoto giả (bên phải).

Nếu nhìn trên hình ảnh thế này, bạn sẽ đoán ra được đâu là bột ngọt Ajinomoto thật và đâu là bột ngọt Ajinomoto giả chứ? Thật khó để phân biệt được thật, giả nằm ở bên trái hay bên phải nếu như không được ai chỉ dẫn. 

Ajinomoto hàng chính hãng có mép hàn phẳng đều và không có bọt khí bên trong; ngày tháng sản xuất được in nổi ở mặt sau của đáy bao và rất rõ nét (6 số); bao bì dày và không nhăn; cánh bột ngọt to đều không gẫy; chữ trên bao bì màu đỏ tươi.

Còn đối với hàng giả, hình huy chương in trên bao bì có màu vàng sậm, bao bì giòn, cứng và dễ nhăn nheo; đường hàn ở 4 cạnh bao bì không bằng nhau, đục và có nổi bọt, có kẽ hở ở đầu và hay nhăn nhúm ở góc; cánh bột ngọt không đều, gãy, có nhiều bụi trắng; ngày sản xuất được in trên bao bì hàng hóa mờ khó đọc, màu chữ được in trên bao bì có màu đỏ sẫm.

Tiêu dùng & Dư luận - Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan (Hình 2).

Khó kiểm soát tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm trí tuệ ngày càng hoạt động tinh vi, khó kiểm soát, điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.

Bởi vậy, với mong muốn tạo ra kênh thông tin hữu ích giúp người dân nhận diện hàng chính hãng để tránh mua phải hàng giả, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan”. 

Tại đây có hơn 300 sản phẩm của nhiều thương hiệu đến từ Nhật Bản như: Panasonic, Casio, ASICS, Uniqlo, Lotte, Meiji, Transino, Honda, Yamaha…., điển hình như: bình siêu tốc Panasonic, máy tính, đồng hồ Casio, áo chống nắng, tất Uniqlo, bánh kẹo Lotte, mỹ phẩm Trasino, linh phụ kiện xe máy Honda, Yamaha, sữa và đồ uống Elovi, giầy thể thao ONITSUKA TIGER MEXICO 66 của ASICS… Đây là các thương hiệu được ưa chuộng tại Nhật Bản cũng như được tiêu thụ nhiều tại thị trường Việt Nam.

Để nhận biết các sản phẩm máy tính Casio hàng giả - hàng nhái, chị Phạm Thị Bích Thủy - đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây cho biết: "Những sản phẩm của công ty đều có tem bảo hành, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR được dán trên sản phẩm sẽ xác định ngay được nguồn gốc xuất xứ. Đối với máy giả sẽ không thể quét được mã, các góc cạnh máy không sắc nét, bàn phím thiếu độ sắc xảo, phím bấm cứng, máy cầm nhẹ tay. Chưa kể đến các vấn đề về pin, nguồn, mạch, cáp màn hình cũng như tốc độ giải, độ chính xác, độ bền… khi sử dụng một thời gian sẽ bắt đầu lộ diện”.

Tiêu dùng & Dư luận - Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan (Hình 3).

Chị Phạm Thị Bích Thủy đang phân biệt sản phẩm máy tính Casio hàng giả, hàng nhái cho ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT.

Bên cạnh đó, các sản phẩm sử dụng công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Việt Nam như Hảo Hảo cũng được trưng bày, giới thiệu, giúp khách tham quan tìm hiểu, nhận diện sản phẩm.

“Việc mở gian hàng trưng bày thế này rất hữu ích đối với người tiêu dùng như mình. Đến đây được các anh chị hướng dẫn đâu hàng giả, hàng nhái giúp mình có thêm những kỹ năng cần thiết khi mua hàng. Mình mong rằng những hoạt động như trên sẽ được nhân rộng tới nhiều nơi trên cả nước để bà con tỉnh lẻ phân biệt, phòng ngừa với hàng giả, hàng nhái như mình”, bạn Lê Thị Thương (Hà Nội) chia sẻ.

Tiêu dùng & Dư luận - Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan (Hình 4).

Muối chấm Hảo Hảo giả nhãn hiệu ngày càng tràn lan

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, đây là lần đầu tiên Tổng cục trưng bày với chuyên đề riêng là các thương hiệu của Nhật Bản. 

Hiện nay nhu cầu của người dân Việt Nam đối với các thương hiệu hàng hóa của Nhật Bản là rất cao, cùng với đó cũng xuất hiện tình trạng gian lận thương mại đối với các thương hiệu này. Vì vậy, việc mở cửa Phòng trưng bày sẽ giúp người dân tự việc tự trang bị kiến thức trong mua sắm, tránh những rủi ro trong mua bán hàng hóa.

Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục mở rộng các chuyên đề nhận diện, phân biệt các sản phẩm đối với hàng hóa có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau để phục vụ nhu cầu mua sắm an toàn, hiệu quả của người tiêu dùng.

Phòng trưng bày “Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan” mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu thông tin miễn phí từ ngày 15/3 đến hết ngày 19/3/2024. Thời gian mở cửa từ 9h - 17h hàng ngày.

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan" tại chuyên mục Thị trường. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).