Mới đây tại Hà Nội, Hội thảo kết nối kinh doanh thương mại - xúc tiến du lịch Nhật Bản năm 2025 đã chính thức diễn ra, thu hút sự tham gia của 25 doanh nghiệp đến từ khắp các địa phương Nhật Bản và 31 công ty lữ hành Việt Nam.
Sự kiện do Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tổ chức, với mục tiêu tăng cường hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy dòng khách du lịch giữa hai nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Matsumoto Fumi - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam cho biết, năm 2024 đánh dấu cột mốc kỷ lục khi số lượng du khách Việt Nam tới Nhật Bản đạt 621.100 lượt, tăng 8,2% so với năm trước.
"Thành quả này là kết tinh từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch ở cả hai nước", bà Matsumoto bày tỏ.

Bà Matsumoto Fumi - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn nhìn nhận, 80% du khách Việt Nam vẫn chưa từng đến Nhật Bản, con số cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao phải làm mới sản phẩm, mở rộng không gian du lịch.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch Nhật Bản vẫn đang tập trung vào "Cung đường vàng" cùng hai mùa cao điểm là hoa anh đào (tháng 3-4) và lá đỏ (tháng 10-11). Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại các đô thị lớn và điểm du lịch nổi tiếng. Trong bối cảnh đó, nhu cầu từ các công ty lữ hành Việt Nam đối với các tuyến tour mới, điểm đến mới ngày càng tăng cao.
Từ phía Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia khẳng định quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, sau nhiều thập kỷ vun đắp, đã phát triển lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Du lịch là một trong những lĩnh vực tiên phong, đóng vai trò cầu nối văn hóa, cảm xúc và con người giữa hai dân tộc. Nhật Bản luôn là một trong những thị trường quốc tế trọng điểm hàng đầu của du lịch Việt Nam.
Trước đại dịch Covid-19, năm 2019 Việt Nam đã đón trên 950.000 lượt khách Nhật Bản. Đến năm 2024, con số này đã gần chạm mốc 700.000. Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón hơn 340.000 lượt khách Nhật, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
"Không chỉ là thị trường gửi khách, Nhật Bản còn là đối tác chiến lược trong phát triển du lịch bền vững. Hai nước đang triển khai nhiều dự án hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm cao cấp, bảo tồn di sản và ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý điểm đến, mở ra những hướng đi mang tính chiều sâu và lâu dài", ông Thủy nhấn mạnh.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp hai nước trong việc phát triển sản phẩm du lịch mới, tăng cường quảng bá, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch và đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu nhân dân.
Những nỗ lực này không chỉ dừng lại ở mức độ gặp gỡ, giao lưu mà hướng tới sự hợp tác đích thực sâu sắc, hiệu quả và bền vững.

Hội thảo thu hút sự tham gia của 25 doanh nghiệp đến từ khắp các địa phương Nhật Bản và 31 công ty lữ hành Việt Nam.
Tiếp nối tinh thần hợp tác, ông ISHIKAWA Isamu – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng lớn vào tương lai kinh tế của Việt Nam.
Theo ông, Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, với hàng loạt cải cách lớn được triển khai sau Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân chính là những trụ cột chiến lược giúp Việt Nam hướng đến một nền kinh tế thịnh vượng, có sức bật toàn cầu.
Chia sẻ kinh nghiệm từng trực tiếp vận hành chiến dịch thu hút khách Trung Quốc đến Nhật Bản, ông Ishikawa nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tạo ra "cú hích" cho thị trường khi các điều kiện đã chín muồi.
"Tại Thượng Hải chỉ trong vòng 3 năm, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản tăng gấp 6 lần. Sự bùng nổ ấy đến từ thay đổi trong lối sống, lan truyền mạnh mẽ từ các trải nghiệm cá nhân, và sự đầu tư đúng lúc vào sản phẩm, hạ tầng, truyền thông", ông kể.
Từ đó, ông cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đi theo quỹ đạo tăng trưởng tương tự nếu có chiến lược bài bản như đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới mẻ, đồng thời thúc đẩy thay đổi trong hành vi, thói quen tiêu dùng du lịch của người dân thông qua truyền thông sáng tạo và hiệu quả.
"Du lịch không chỉ là cầu nối văn hóa, mà còn là ngành kinh tế mang tính cạnh tranh cao. Muốn thành công, chúng ta phải hiểu rõ khách hàng, hiểu rõ sản phẩm và liên tục đổi mới", ông Ishikawa khẳng định.
Hướng tới mục tiêu đạt 2 triệu lượt khách đi lại giữa hai nước vào năm 2030, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng sự kiện xúc tiến, kết nối du lịch lần này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao lưu giữa hai quốc gia.