Sự thật “việc nhẹ lương cao” tại Campuchia qua lời khai của 45 công dân bị trục xuất

Cơ quan chức năng tiếp nhận 45 công dân Việt Nam từ Campuchia vừa được bàn giao qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Trong số này, lực lượng chức năng phát hiện 6 đối tượng có tiền án, tiền sự nguy hiểm, liên quan đến nhiều tội danh nghiêm trọng.

Xác minh nhân thân nhóm người Việt bị ép làm nhân viên "đào lửa” ở Campuchia

Ngày 17/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đang phối hợp cùng Công an tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành xác minh nhân thân, lai lịch của 45 công dân do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao.

Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh, vào chiều 16/7, tại Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Mộc Bài (thuộc ấp Thuận Tây, xã Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ thuộc BĐBP Tây Ninh và Công an tỉnh Tây Ninh đã tổ chức tiếp nhận 45 công dân Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao.

Sự thật “việc nhẹ lương cao” tại Campuchia qua lời khai của 45 công dân bị trục xuất- Ảnh 1.

Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ thuộc BĐBP Tây Ninh và Công an tỉnh Tây Ninh đã tổ chức tiếp nhận 45 công dân Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao. (Ảnh: BĐBP).

Theo cơ quan chức năng Campuchia, các trường hợp này đều là công dân Việt Nam cư trú trái phép trên lãnh thổ Campuchia và bị cơ quan chức năng nước sở tại trục xuất theo quy định.

Ngay sau khi tiếp nhận, lực lượng BĐBP và Công an Tây Ninh đã khẩn trương tổ chức rà soát, sàng lọc và bước đầu xác định danh tính các cá nhân vi phạm. 

Phần lớn trong số 45 công dân được bàn giao là thanh niên, có độ tuổi trung bình từ 20 – 35 tuổi. Trong đó có 10 nữ, thuộc nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước như: Tp.HCM, Ninh Bình, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Gia Lai, Tuyên Quang, Cà Mau...

Người từng phạm tội, kẻ bị cấm xuất cảnh

Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện có 6 người từng có tiền án, tiền sự về các tội danh nguy hiểm như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, Tàng trữ trái phép chất ma túy, Đánh bạc, Cướp giật, Trộm cắp tài sản. Ngoài ra, một công dân trong nhóm này đang thuộc diện cấm xuất cảnh.

Được biết, hầu hết các công dân nói trên khai đã bị lôi kéo xuất cảnh trái phép hoặc thông qua các kênh tuyển dụng việc làm trực tuyến, với lời quảng cáo hấp dẫn về thu nhập cao, làm việc nhẹ nhàng tại Campuchia.

Sự thật “việc nhẹ lương cao” tại Campuchia qua lời khai của 45 công dân bị trục xuất- Ảnh 2.Tiếp nhận 38 công dân Việt Nam từ Campuchia: Nhiều người từng làm việc tại tụ điểm cờ bạc, lừa đảoĐỌC NGAY

Tuy nhiên, sau khi đặt chân sang đất Campuchia, nhiều người đã bị ép buộc làm việc cho các tổ chức lừa đảo qua mạng Internet, núp bóng các công ty "công nghệ số", "chăm sóc khách hàng online". 

Họ được phân công thực hiện các công việc như giả danh nhân viên ngân hàng, công an, cán bộ thuế, thậm chí giả làm người thân của nạn nhân... để thực hiện hành vi lừa đảo có tổ chức.

Theo lời khai của nhiều nạn nhân, các tổ chức này hoạt động theo mô hình đa tầng, đa lớp, dùng các app lừa đảo như "App Tình yêu", "Shipper", "Thương mại điện tử", "Tài xỉu", "Booking khách sạn", "Chứng khoán ảo"... làm công cụ tiếp cận nạn nhân, chủ yếu nhắm vào phụ nữ trung niên có điều kiện tài chính tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, các công dân còn bị ép buộc gọi điện giả danh cán bộ nhà nước, dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền, nạp tài khoản đầu tư hoặc cung cấp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản. Những người không tuân lệnh hoặc không đạt chỉ tiêu "doanh thu" sẽ bị các "ông chủ" đánh đập, hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí đe dọa tính mạng.

Trước đó, ngày 3/7, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 38 công dân (27 nam, 11 nữ) từ lực lượng chức năng Campuchia.

Sau khi tiếp nhận, sàng lọc và tiến hành các thủ tục theo pháp luật quy định, lực lượng chức năng đã phát hiện có 29 người từng làm việc trong các công ty hoạt động cờ bạc, lừa đảo tại Campuchia như, Khu TiTan King (4 công dân), khu Kim Sa (11 công dân), khu Venus (2 công dân), Khu Lý Châu và Shanhai (2 công dân), khu Tam Thái Tử (3 công dân).

Đáng chú ý, có 3 công dân có tiền án về tội: Trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, Tàng trữ trái phép chất ma túy; 5 công dân từng có tiền sự về các tội: Giết người, Đánh bạc, Sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy được đưa đi cai nghiện bắt buộc và qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

Đoàn Vũ