Thi tốt nghiệp THPT 2023: Những lưu ý "vàng" để không vi phạm quy chế

15/06/2023 16:04

Thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023.

Cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023

Tính đến sáng ngày 15/6, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong đó, thí sinh tự do là 37.841, chiếm 3,69% tổng số thí sinh; thí sinh chỉ xét tốt nghiệp 47.769 chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.

Theo Công Thương, để chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra an toàn, đến ngày 15/6/2023, đã có 12 buổi làm việc của 4 đoàn công tác Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương: Ninh Bình, Bạc Liêu, Kontum, Gia Lai, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau, Nam Định.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi. Đồng thời, kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung. Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra vào các ngày 28,29/6/2023.

Trong đó, ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ngày 28/6 thí sinh thi các môn Văn, Toán.

Ngày 29/6 thi Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp Khoa học xã hội.

Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Giáo dục - Thi tốt nghiệp THPT 2023: Những lưu ý 'vàng' để không vi phạm quy chế

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Những lưu thi tốt nghiệp THPT 2023

Cần tránh phức tạp hóa vấn đề: Khi làm bài thí sinh không nên đọc vội dẫn đến bỏ sót chi tiết trong câu dẫn, không nên phức tạp hóa nội dung câu hỏi… dẫn đến chọn đáp án sai, tô sai đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm.

Trong các kỳ thi tuyển sinh, những lỗi sai học sinh hay mắc phải thường đến từ sự chủ quan. Học sinh thường tính toán sai ở những câu đơn giản, hiểu sai về sai số, hạn chế kỹ năng đọc hiểu các bài toán thực tế, chỉ tập trung vào con số, quên rằng phải tìm ra từ khóa của yêu cầu, vẽ sai hình.

Với những học sinh có học lực giỏi thì lại mắc lỗi chủ quan về làm tắt các bước giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất khi làm toán là học sinh phải cẩn thận, tỉ mỉ, làm đến đâu chắc đến đó kể cả về cách thức, dẫn giải lẫn kết quả bài làm.

Với môn ngữ văn, cần tránh suy nghĩ viết càng dài càng được điểm cao. Thí sinh viết dài sẽ dễ sang lan man, không đủ ý, viết như diễn giải văn xuôi, do đó cũng khó đạt được điểm cao.

Với môn tiếng Anh, cần chú ý chính tả từ lỗi nhỏ nhất bởi theo quy định, khi học sinh làm sai, dù chỉ là một lỗi nhỏ chính tả, cũng sẽ mất điểm hoàn toàn câu đó. Thông thường, kiến thức trong đề thi môn tiếng Anh chỉ nằm trong sách giáo khoa, các chủ đề, chủ điểm đều là những nội dung học đã được làm quen khi học.

Không "nước tới chân mới nhảy": Kiến thức trang bị cho kì thi tốt nghiệp THPT là rất nhiều, nếu học sinh để "nước tới chân mới nhảy" thì vô cùng tai hại. Để có thể giành được điểm cao, các em cần tập trung ôn tập nghiêm túc, không nên chủ quan cũng như xem nhẹ môn học.

Nhiều học sinh còn phân bổ thời gian ôn tập chưa hợp lý, chỉ tập trung ôn các môn học mình thích, không chủ động ôn và tập trung vào những môn học còn yếu.

Một số học sinh chưa chú ý việc hệ thống hóa các kiến thức để ôn luyện. Phần lớn các em chưa khắc phục được lối học vẹt trong các môn học xã hội, nhất là môn học Lịch sử, nên chưa hiểu sâu kiến thức bài học.

Ngoài ra, nhiều học sinh chưa chú ý đến việc rèn luyện các kỹ năng làm bài. Phần lớn vẫn chọn đáp án theo cảm tính một cách mơ hồ, cầu may mà không theo các nội dung kiến thức cơ bản nên hiệu quả làm bài còn thấp.

Do đó, rất cần thay đổi, tự giác hơn trong ôn tập, có kế hoạch và phân bổ thời gian thích hợp cho từng môn, trang bị cho mình khối lượng kiến thức đầy đủ trên cơ sở hệ thống hóa các kiến thức cơ bản.

Những vật dụng được mang vào phòng thi: Tại Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT đã sửa đổi quy định về các vật dụng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được phép mang vào phòng thi như sau: Chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.

Theo Quy chế mới tại Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT, thành phần hồ sơ của đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi đã bỏ quy định về bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Theo khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 13 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT thì thí sinh là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12.

Đề thi là tài liệu tối mật

Thông tin trên Tiền Phong, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lưu ý cán bộ coi thi phải quán triệt thí sinh về thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước độ tối mật đối với đề thi. Vì vậy, mọi hành vi cung cấp, tiết lộ đề thi trong thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra xem có thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ phải lập tức báo cáo cho cán bộ coi thi để kịp thời xử lý. Sau 5 phút tính từ thời điểm cán bộ coi thi phát xong đề thi thí sinh được đọc đề thi. Sau thời điểm kể trên, nếu thí sinh có ý kiến về tình trạng của đề thi, cán bộ coi thi phải báo cho trưởng điểm thi để xử lý.

Khi làm bài lưu ý phải tô đúng số báo danh, đúng mã đề, đúng phương án chọn câu trả lời. Nếu tô sai cần tẩy sạch ô bị tô sai, nếu không máy chấm sẽ nhận phương án đó. Để chắc chắn, cán bộ coi thi cần kiểm tra kỹ việc tô vào Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh khi thu bài, đảm bảo khớp các thông tin số báo danh, mã đề.

Thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi tự luận. Thí sinh phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi. Trong trường hợp bất khả kháng, nếu thí sinh nhất thiết phải tạm rời khỏi phòng thi thì cán bộ coi thi phải báo cáo cho cán bộ giám sát phòng thi để phối hợp thực hiện.

Đối với bài thi tổ hợp, ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất của mình, thí sinh phải dừng ngay việc làm bài thi. Cán bộ coi thi thu đề thi và giấy nháp của thí sinh, sau đó phát đề thi môn thi thành phần tiếp theo và giấy nháp mới theo đúng lịch thi. Khi hết giờ làm bài môn thi thành phần thứ hai của thí sinh, cán bộ coi thi thu phiếu trả lời trắc nghiệm, thu đề thi, giấy nháp của thí sinh (trừ các môn thi Sinh học, Giáo dục công dân).

Riêng đối với thí sinh chỉ thi 2 môn thành phần thứ nhất và thứ hai của bài thi tổ hợp, sau khi thi xong môn thi thành phần thứ hai, cán bộ coi thi yêu cầu thí sinh ra khỏi phòng thi, theo hướng dẫn của cán bộ giám sát và di chuyển về phòng chờ, ngồi tại phòng chờ, giữ gìn trật tự, đợi cho đến khi hết giờ làm bài của môn thi cuối cùng mới được rời khỏi điểm thi.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Thi tốt nghiệp THPT 2023: Những lưu ý "vàng" để không vi phạm quy chế" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).