Tin nổi bật tuần 8-14/4: Tăng cường các giải pháp quản lý thị trường vàng; Tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát

13/04/2024 20:13

Tuần từ 8 - 14/4, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp quản lý thị trường vàng, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn; Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người; Yêu cầu Netflix dừng phát hành game không phép tại Việt Nam; Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng bắt cóc hai cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ; Tuyên án t...

Khẩn trương thực hiện các giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng

Chú thích ảnh Giá vàng trong nước tuần qua liên tục "lập đỉnh".

Tuần qua, thị trường vàng trong nước tiếp tục có những biến động lớn. Ngay trong ngày đầu tuần, giá vàng nhẫn tăng mạnh, vượt mức 75 triệu đồng/lượng. Liên tiếp các ngày trong tuần, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn trơn đua nhau lập đỉnh, có ngày từ phiên sáng tới chiều đã tăng tới 2 triệu đồng/lượng. Có lúc giá giảm nhẹ, song đa số đều ở mức cao. Đỉnh cao nhất của giá vàng tuần qua là 78,5 triệu đồng/lượng vàng nhẫn (ngày 10/4) và 85 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC (ngày 12/4).

Trước tình hình thị trường vàng liên tục biến động, tại cuộc họp bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì và kết luận, chỉ đạo: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời các giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ (tức Nghị định 24), trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng để can thiệp kịp thời, xử lý ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định số 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được kiểm soát chặt chẽ, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, …

Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng; thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định; Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian tới, chiều 11/4, giá vàng trong nước giảm mạnh; tới sáng 12/4, giá vàng lại tăng đạt mốc 85 triệu đồng/ lượng vàng miếng SJC và 75,58 - 77,48 triệu đồng/lượng vàng nhẫn.

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm

Ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 34/CĐ-TTg về việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh Nhiều kênh rạch tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long khô cạn. Ảnh: Mạnh Linh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, không được chủ quan; phải theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó rà soát, nắm chắc thông tin từng khu vực từng hộ dân có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để có các phương án cụ thể nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt.

Các bộ ngành, địa phương phải tổ chức rà soát các nguồn nước ngọt dự trữ để có phương án điều hòa phục vụ sinh hoạt và sản xuất, ưu tiên phục vụ cấp nước cho sinh hoạt của người dân và các nhu cầu thiết yếu khác. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp để triển khai ngay các biện pháp bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Chú thích ảnh Hệ thống pin điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà xưởng ở Khu công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Ngày 10/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp báo cáo về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển. Vì vậy, Nghị định phải khắc phục những tồn tại, hạn chế, từ đó xác định đối tượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và có cơ chế, chính sách khuyến khích cho từng đối tượng, phương thức vận hành; có giải pháp công nghệ bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện nền khi đưa điện mặt trời mái nhà lên hệ thống điện.

Theo Phó Thủ tướng, việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán. Điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác... (bao gồm cả các dự án xuất khẩu điện mà không đưa lên lưới quốc gia, sản xuất hydro xanh, tự sản, tự tiêu...) được ưu tiên phát triển trong điều kiện đáp ứng công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị định cần xác định rõ nội hàm, mục tiêu, phạm vi đối tượng; từ đó đưa ra các cơ chế chính sách khuyến khích, quy định … tương ứng. Cụ thể, đối với hộ dân, công sở, tòa nhà văn phòng... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, không kinh doanh thì xây dựng những bộ hồ sơ mẫu, đơn giản hóa tối đa thủ tục, trừ công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn, phòng cháy, chữa cháy. Những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà kinh doanh, cần tính toán mức giá hợp lý, hỗ trợ về tài chính, lãi suất... và khuyến khích đầu tư.

Phó Thủ tướng lưu ý cần tính toán kỹ quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà; bảo vệ lợi ích lâu dài của nhà đầu tư; chú trọng bảo vệ môi trường.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Ngày 10/4, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) đã thông tin về tình hình sức khoẻ của nam bệnh nhân mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta.

Theo đó, nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, với chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết từ viêm phổi, cúm A, nhiễm nấm xâm lấn, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, xuất huyết ổ bụng, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận cấp, xơ gan do rượu, theo dõi u gan. Kể từ khi bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện đến nay, người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện có sức khỏe bình thường.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, cúm A/H9N2 là chủng độc lực có nguy cơ thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây bệnh trên gia cầm nên rất khó phát hiện. Đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã và đang phối hợp xử lý các vấn đề về dịch bệnh trên người, thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm và xử lý môi trường. Đến nay vẫn chưa có thông tin cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới về biến đổi gen và thay đổi độc lực cúm A/H9N2. Do đó, cộng đồng không nên quá hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, mà cần tuân thủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người.

 Yêu cầu Netflix dừng phát hành game không phép tại Việt Nam

Ngày 10/4, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có công văn gửi Công ty Netflix, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; dừng việc quảng cáo, phát hành trò chơi điện tử trên ứng dụng Netflix và các kho ứng dụng trước ngày 25/4/2024.
Nếu Công ty Netflix không thực hiện các yêu cầu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Gần đây, người dùng Netflix tại Việt Nam bất ngờ khi trên ứng dụng này bên cạnh phim còn xuất hiện hàng chục game di động, đều chưa được cấp phép tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, trong số danh sách các game ứng dụng này, có cả các game bạo lực 18+, hay các game hẹn hò dành cho lứa tuổi 16+….

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng bắt cóc hai cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Chú thích ảnh Đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi khai nhận trước cán bộ công an. 

Công an Quận 1, TP Hồ Chí Minh đã tống đạt các Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt tạm giam Phạm Huỳnh Nhật Vi (sinh năm 2003, quê Tiền Giang) để điều tra về hành vi "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm".

Ban đầu, Phạm Huỳnh Nhật Vi khai nhận, vì chưa có con nên bắt cóc hai bé gái N.K.T.M. (7 tuổi) và L.H.T.L (3 tuổi) ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (tối 3/4) để mang về nuôi tại căn hộ thuộc chung cư Saigon Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh).

Tuy nhiên, quá trình điều tra, động cơ, mục đích của Phạm Huỳnh Nhật Vi trong vụ bắt cóc đã được làm rõ. Theo đó, Phạm Huỳnh Nhật Vi là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, quen biết với 1 người đàn ông nước ngoài. Người này chuyển tiền cho Vi với mục đích tìm các bé gái để quay clip khiêu dâm.

Trước đó, chị N.T.C (27 tuổi, ngụ Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đến cơ quan công an trình báo bị lạc mất 2 con nhỏ vào tối 3/4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, sau 3 ngày tìm kiếm vẫn không có kết quả. Lực lượng chức năng đã điều tra, truy tìm và đến 10 giờ ngày 8/4, tức 42 giờ sau khi tiếp nhận trình báo, đã giải cứu thành công hai bé gái, tiến hành tạm giữ đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi để điều tra.

Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát, tuyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan

Chú thích ảnh Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11/4. Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN

Ngày 11/4, sau hơn một tháng xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan… đã tiến hành tuyên án.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nhận mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù giam về tội “Đưa hối lộ”; 20 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan phạm nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng; tổ chức thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong một thời gian dài, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gian dối; chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Đặc biệt, Trương Mỹ Lan có 3 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: Thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức; phạm tội từ hai lần trở lên và dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Trong quá trình xét xử, bị cáo thiếu thành khẩn, quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới. Vì vậy, cần phải có mức hình phạt nghiêm khắc tương xứng với hành vi và hậu quả bị cáo gây ra, loại bỏ bị cáo khỏi đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế chức vụ nói riêng.

Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan nhận mức án tử hình, 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, nhận các mức án từ 3 năm tù treo cho đến tù chung thân.

Bạn đang đọc bài viết "Tin nổi bật tuần 8-14/4: Tăng cường các giải pháp quản lý thị trường vàng; Tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).