Channel News Asia: Lazada cho nghỉ loạt nhân viên trong thời gian ngắn nhưng 'ràng buộc' cấm nhân viên vừa bị sa thải làm việc cho Shopee, Grab, TikTok

18/01/2024 12:09

Vì dính ràng buộc điều khoản trong hợp đồng lao động nên các nhân sự vừa bị sa thải tại Lazada không thể làm việc cho đối thủ. Nếu vi phạm các điều khoản này, cựu nhân viên của Lazada sẽ bị hủy bỏ toàn bộ số cổ phiếu thưởng từ trước đến nay.

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, theo nguồn tin của tờ TechinAsia, nền tảng thương mại điện tử Lazada thông báo dự kiến sẽ sa thải 30% lao động tại nhiều thị trường. Các bộ phận chăm sóc khách hàng, marketing và thương mại là những bộ phận bị cắt giảm nhiều nhất.

Sau khi thông báo này được đưa ra, dường như nhân viên của Lazada trong diện bị sa thải đều như 'vỡ òa'.

Đáng nói, theo tờ Channel News Asia, các nhân viên này còn bày tỏ sự bức xúc khi bị ràng buộc điều khoản trong hợp đồng nên không thể làm việc cho các công ty đối thủ như Shopee, Grab, Tiktok, GoTo... Ngoài các hãng đối thủ kể trên, chuỗi bán lẻ như NTUC FairPrice, Giant, Amazon hay công ty trong mảng logistic J&T, SF, Kerry và NinjaVan... cũng thuộc danh sách mà nhân sự bị sa thải của Lazada không được 'apply'.

Channel News Asia: Lazada cho nghỉ loạt nhân viên trong thời gian ngắn nhưng 'ràng buộc' cấm nhân viên vừa bị sa thải làm việc cho Shopee, Grab, TikTok - Ảnh 1

Nếu vi phạm các điều khoản này, cựu nhân viên của Lazada sẽ bị hủy bỏ toàn bộ số cổ phiếu thưởng từ trước đến nay.

Trong khi đó, những nhân viên bị sa thải sẽ chỉ được nhận số tiền hỗ trợ là mức lương 2 tuần cho mỗi năm làm việc. Còn số cổ phiếu thưởng thì không được giao dịch, chưa sinh ra lợi nhuận cho đến khi hãng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Phần thưởng đi kèm điều kiện 'khắc nghiệt'

Thông thường, cổ phiếu thưởng theo diện hạn chế (RSU) là phần tương đương tiền thưởng nhưng bằng cổ phiếu cho các nhân viên có kết quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên phần thưởng bằng cổ phiếu này luôn đi kèm với các điều kiện ràng buộc và trong trường hợp của Lazada là quy định không được chuyển sang làm cho công ty đối thủ sau khi bị sa thải.

Các cổ phiếu thưởng của Lazada được gửi trong quỹ tín thác của hãng nên nếu cựu nhân viên vi phạm thỏa thuận, chuyển sang làm việc cho danh sách các hãng đối thủ thì toàn bộ số cổ phiếu thưởng từ trước đến nay của họ sẽ bị hủy bỏ.

Cựu giám đốc Timothy (Nhân vật đã được đổi tên) của Lazada, người làm việc đến 4 năm và bất ngờ nhận tin sẽ bị chính thức cho thôi việc ngày 15/1/2024 mới đây đã phải ngậm ngùi thừa nhận giá trị số cổ phiếu thưởng của mình đang giảm nghiêm trọng.

"Công ty không cho chúng tôi bán lại số cổ phiếu này, mà cũng chẳng có giao dịch hay tính thanh khoản nào. Hậu quả là chúng tôi vẫn phải trả thuế cho số cổ phiếu đó dù chúng chưa sinh ra đồng lợi nhuận nào. Thế rồi những cổ phiếu này vẫn nằm trong quỹ tín thác của Lazada hay Alibaba và được dùng làm cơ sở đe dọa cựu nhân viên không được chuyển sang hãng đối thủ", anh Timothy nói.

"Cách họ sa thải nhân viên khá đáng thất vọng. Tôi không cho rằng Lazada đang đối xử với người lao động một cách thỏa đáng", anh Timothy bổ sung.

“Điều tồi tệ nhất là cổ phiếu dạng RSU vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Tập đoàn Lazada hoặc Tập đoàn Alibaba kiểm soát. Và vẫn muốn dùng luật lệ này để đe dọa nhân viên không tham gia công ty của đối thủ”, nhân viên này chia sẻ.

Channel News Asia: Lazada cho nghỉ loạt nhân viên trong thời gian ngắn nhưng 'ràng buộc' cấm nhân viên vừa bị sa thải làm việc cho Shopee, Grab, TikTok - Ảnh 2

Một cựu nhân viên khác của Lazada - Russell - người đã bị sa thải vào giữa năm 2023, cũng gặp phải tình huống tương tự. Ông được thăng chức vào tháng 4 năm 2023 và đề nghị cấp RSU trị giá 17.000 USD cho thời hạn 4 năm. Tuy nhiên, Russell bị sa thải chỉ vài tuần sau khi nhận phần thưởng RSU trên. 

“Đó thực sự là một sự xúc phạm. Chúng tôi làm việc không mệt mỏi, làm thêm giờ miễn phí bởi niềm tin vào công ty. Nhưng họ đã để chúng tôi đi với một 'gói hàng' tệ hại như vậy,” Russell nói.

Khi các nhân viên hỏi liệu công ty có mua lại cổ phiếu thưởng này không thì được Lazada trả lời là phải đợi đến khi hãng IPO thì mới có khả năng này.

Theo CNA, vì Lazada chưa có lợi nhuận trong kinh doanh nên những cổ phiếu thưởng này cũng chẳng có cổ tức, đồng thời không thể giao dịch kiếm lợi nhuận trên sàn chứng khoán do chưa IPO.

Hậu quả là những cổ phiếu này trở thành tờ giấy hẹn cho các nhân viên về một khoản lợi nhuận chưa biết sẽ có bao giờ trong tương lai.

Nhân viên tự bảo quản cổ phiếu để tối đa hóa lợi nhuận 

Các chuyên gia về luật lao động và nhân sự mà CNA tham khảo cho biết, thông thường các công ty sẽ phân bổ RSU thành nhiều đợt theo thời gian, và thường sử dụng nó như một động lực để nhân viên ở lại. 

Phó Giám đốc điều hành Darren Tan của hãng luật Invuctus Law cho hay, các doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải mua lại cổ phiếu thưởng nếu không có hợp đồng ràng buộc trước đó. Bởi vậy những khoản thưởng khổng lồ bằng cổ phiếu của các cựu nhân viên Lazada sẽ trở thành sự ràng buộc nếu họ không muốn mất số tiền này.

Đồng quan điểm, chuyên gia Chooi Jing Yen của Eugene Thuraiseam cho biết, việc Lazada không mua lại số cổ phiếu thưởng của nhân viên là điều dễ hiểu vì chính bản thân công ty đang phải sa thải hàng loạt vì gặp vấn đề về thanh khoản.

"Công ty sẽ không muốn tốn dòng tiền quá mức để giữ sự thanh khoản. Bởi vậy các cựu nhân viên phải tự tìm cách giữ số cổ phiếu thưởng đó để tìm cách hiện thực hóa lợi nhuận sau này", ông Chooi nói.

Việc sử dụng những cổ phiếu thưởng như một sự ràng buộc này bị nhiều chuyên gia đánh giá là một đòn hiểm của doanh nghiệp khi sa thải lao động hàng loạt.

Đồng quan điểm, chuyên gia nhân sự 10 năm kinh nghiệm Ian Liew trả lời CNA rằng, việc sa thải bất ngờ hàng loạt mà không cho chuyển sang các hãng cùng ngành là một sự bất công.

"Lazada chấm dứt hợp đồng với nhiều lao động vì dư thừa nhân lực, nhưng hãng lại không cho cựu nhân viên cơ hội tìm việc trong cùng ngành bằng cách hạn chế sự lựa chọn của họ. Điều này quá bất công. Tôi không nghĩ họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc sa thải hàng loạt lao động như thế này. Kịch bản diễn ra với vô số vấn đề phát sinh và lý do sa thải thì quá mơ hồ", ông Liew cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, việc đưa ra một thông báo ngắn và bồi thường nhân viên thay cho thông báo sớm trước khi sa thải là không trái với luật pháp, nhưng động thái này thường bị lên án vì 'không quan tâm đến cảm xúc của nhân viên'.

Bạn đang đọc bài viết "Channel News Asia: Lazada cho nghỉ loạt nhân viên trong thời gian ngắn nhưng 'ràng buộc' cấm nhân viên vừa bị sa thải làm việc cho Shopee, Grab, TikTok" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).