Video Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội chia sẻ:
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Điểm đổi mới lớn nhất trong dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ lần này chính là việc thể chế hóa các quan điểm đã nêu trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trước đây, việc đầu tư cho khoa học công nghệ giống như đầu tư cho hoạt động chi tiêu thường xuyên. Cách làm đó mang tính hành chính, không khuyến khích tìm tòi, sáng tạo cái mới. Giờ chuyển sang đầu tư theo cơ chế quỹ, nghĩa là chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, thậm chí chấp nhận đầu tư, nhưng không có kết quả như kỳ vọng ban đầu. Đó mới là tư duy đầu tư đúng cho khoa học. Điều này sẽ tạo động lực để các nhà khoa học mạnh dạn bắt tay vào những đề tài mới, dù chưa chắc đã thành công. Còn trong trường hợp thành công, kết quả có thể tạo ra những giá trị hoàn toàn mới, những đột phá thực sự về mặt khoa học. Đó chính là điều làm nên bản chất của nghiên cứu khoa học: Tìm kiếm cái chưa từng tồn tại.
Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi lần này cũng mở đường rõ ràng hơn cho quá trình nghiên cứu được chuyển hóa thành sản phẩm ứng dụng. Các chính sách hỗ trợ, như chính sách chuyển giao công nghệ, cơ chế chuyển giao, cơ chế xác nhận quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng đã được quy định rõ trong dự thảo Luật. Đồng thời, dự thảo Luật lần này quy định rõ việc miễn trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp nghiên cứu không thành công. Quy định này chính là một hình thức khuyến khích để hoạt động khoa học phát triển tốt hơn.
Nghiên cứu khoa học là hành trình tạo ra cái mới, những điều chưa từng tồn tại. Những nghiên cứu không thành công cũng có giá trị nhất định. Nhờ đó, người khác sẽ không lặp lại các thử nghiệm không mang lại kết quả, tiến về phía trước.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBHQ Bình Dương
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này ra đời kịp thời, tiếp nối Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 193), cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Nghị quyết 57).
Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, dư luận, cử tri, doanh nghiệp và giới khoa học đều mong chờ một hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện. Nghị quyết 193 là bước đi đầu tiên, nhưng do giới hạn về hình thức văn bản, chưa thể bao trùm hết như một luật. Vì thế, sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 là cần thiết. Lần sửa đổi này mang tính bao quát hơn, đề cập rõ ràng đến vai trò của doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ.
Về thủ tục hành chính, Luật mới đã đơn giản hóa mạnh mẽ, loại bỏ 9 - 11 thủ tục cũ, chỉ giữ lại hai thủ tục bắt buộc và bổ sung 4 thủ tục mới để phù hợp với các hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần có hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng quy định đúng nhưng khó thực hiện. Nếu thực hiện tốt quy định thì sẽ khuyến khích sự sáng tạo của các nhà khoa học.
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có điểm mới đáng chú ý là quy định nhà khoa học được hưởng 30% từ phần thu nhập mang lại do kết quả nghiên cứu. Đây là chính sách tiến bộ, thể hiện rõ quan điểm coi khoa học và công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước. Quy định này ghi nhận công sức, trí tuệ và đóng góp thực chất của nhà khoa học, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và kết quả ứng dụng thực tế.
Ngoài ra, việc chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu cũng là cách giữ chân nhân tài, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh nguồn lực khoa học không chỉ trong nước, mà còn trên phạm vi quốc tế. Quy định người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập mang lại do kết quả nghiên cứu là chưa thật sự linh hoạt.
Bên cạnh đó, điểm then chốt là tạo ra thị trường khoa học công nghệ thực sự, kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Trước đây, Nhà nước thường đầu tư nghiên cứu, nhưng kết quả không sát nhu cầu xã hội. Luật mới đang mở hướng cho doanh nghiệp tham gia ngay từ giai đoạn thử nghiệm, vì chính doanh nghiệp mới hiểu thị trường cần gì. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn.