Chất vấn và trả lời chất vấn: Con số nói lên tất cả

08/06/2023 20:06

(Chinhphu.vn) - Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội trong 2 ngày vừa qua, cử tri TPHCM đánh giá phần trả lời của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các bộ trưởng có sự sâu sát trong hành động thực tiễn và đều sử dụng dữ liệu dẫn chứng, khá thuyết phục.

Cử tri tin tưởng vào cách làm việc đồng bộ của các bộ, ngành

Cử tri Trần Ngọc Châu (cán bộ hưu trí tại TP. Thủ Đức) bình luận: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mang đến hội trường Quốc hội sự đơn giản, rõ ràng, không hoa mỹ: "Mọi người đang tranh luận với nhau là chồng chéo hay xung đột, hay như thế nào về câu chữ, chúng tôi nghĩ điều đó cũng không quan trọng lắm. Vấn đề là chúng ta phải tháo gỡ để nó chạy và chạy thật nhanh trong thời gian tới". Có lẽ Phó Thủ tướng hướng tới hành động để bù lại thời gian mà ông nói là "rất chậm".

Ấn tượng là Phó Thủ tướng đã sử dụng các con số biết nói. Những con số nói lên lý do tại sao có sự chồng chéo trong thời gian qua: "Có chương trình được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án với 55 nội dung thành phần và chịu sự quản lý của 23 bộ, ngành". Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, công việc chồng chéo và thậm chí xung đột với nhau.

Bằng những dẫn chứng cụ thể, qua số liệu mà ông thu thập, không chỉ ở các hội nghị trực tuyến với 339 câu hỏi, tựu chung là "không biết làm thế nào cho đúng...", mà còn từ chuyến đi thực tế ở một tỉnh khu vực Tây Nguyên: "Địa phương này được phân bổ 200 tỷ đồng để làm 400 dự án, tức là mỗi dự án chỉ tầm 500 triệu đồng. Đối với một dự án hạ tầng ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 400-500 triệu đồng làm một đoạn đường thì khó mà kết nối được, việc phát huy giá trị rất kém", Phó Thủ tướng phân tích.

Hệ lụy là, thay vì 30 bộ hồ sơ, phải cần đến 400 bộ hồ sơ. Khối lượng hồ sơ rất nhiều, nên riêng việc làm hồ sơ cũng phải tốn vài tháng, thậm chí cả năm. "Cũng phải nói thật lòng là với trình độ anh em như vậy nên khả năng rủi ro là rất lớn. Có khi chúng ta sẽ mất cán bộ bởi chính sự dàn trải này".

Cách trả lời của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho thấy sự sâu sát trong hành động thực tiễn và kiến thức trong cách dẫn chứng các con số. Cử tri qua đây có thể rút ra: Lý do của sự chậm trễ các công trình công cộng tại các vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số; trình độ cán bộ hạn chế, do sự rườm rà của cơ chế (400 bộ hồ sơ thay vì chỉ cần 30 bộ…). Nếu các cấp, các ngành rốt ráo giải quyết 2 vấn đề trên thì những dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ sớm thành hiện thực.

Từ trả lời của Phó Thủ tướng, cử tri chúng tôi cũng thấy từ câu hỏi của đại biểu, cho đến trả lời của các bộ trưởng (Đào Ngọc Dung, Huỳnh Thành Đạt, Hầu A Lềnh…) đều có sử dụng các dữ liệu dẫn chứng, khá thuyết phục.

Ngoài ra, tham gia giải trình của các bộ trưởng liên quan khá trách nhiệm, nhất là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Điều này giúp cử tri tin tưởng hơn vào cách làm việc đồng bộ giữa các bộ, ngành, giảm bớt thủ tục rườm rà, chồng chéo mà Phó Thủ tướng nêu ra. Hy vọng tới đây Chính phủ sẽ hành động quyết liệt hơn để bộ máy hành chính có thể thực hiện được các dự án phục vụ cuộc sống người dân một cách nhanh chóng, chứ không "rất chậm" như Phó thủ tướng nói trước Quốc hội.

Rõ tính cầu thị, hướng đến minh bạch

Cử tri Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM) đánh giá cao việc Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận trách nhiệm trước Quốc hội khi để tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa như kế hoạch, chỉ giải ngân đạt 58,49% năm 2022 và 17,01% năm 2023. Đồng thời đưa ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong trong thời gian tới, như: Rà soát lại các dự án, chỉ giữ lại những dự án có hiệu quả cao; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra; xử lý nghiêm các sai phạm; huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Trả lời chất vấn khá đầy đủ của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thể hiện rõ tính cầu thị, hướng đến minh bạch, trực tiếp vào vấn đề, thẳng thắn và trách nhiệm. Cử tri mong muốn chính sách cho vùng đồng bào dân tộc sẽ được thúc đẩy, nhất là việc đầu tư điện, đường, trường, trạm, đầu tư cho giáo dục ở những vùng còn khó khăn.

Về trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cử tri Trần Quang Thắng đánh giá, Bộ trưởng nêu được những vấn đề về chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong nhóm vấn đề này có nội dung giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Các nội dung chất vấn đã được Bộ trưởng trả lời một cách nghiêm túc, trung thực và có trách nhiệm. Tuy nhiên, những giải pháp cụ thể và hiệu quả để giải quyết các vấn đề nan giải của đồng bào dân tộc cần có thời gian nghiên cứu thêm để được làm rõ.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình về việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông cho biết, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả, trong đó có công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Tuy nhiên, ông chưa nêu rõ những giải pháp cụ thể và hiệu quả để giải quyết các vấn đề nan giải của người lao động và người có công.

Hiểu được bức tranh chung

Cử tri Trần Kim Dung (TP. Thủ Đức, TPHCM): Các vấn đề đại biểu chất vấn cũng rất thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, bao trùm nhiều địa bàn trên cả nước. Các câu hỏi khá cụ thể: Nêu tên các văn bản, chính sách, thời điểm áp dụng, thực tế áp dụng, thực tiễn điều hành và kết quả... tạo điều kiện để các bộ trưởng trả lời đúng trọng tâm. 

Các bộ trưởng trả lời với những dẫn chứng cụ thể, lập luận sắc bén và đưa ra những giải pháp khá phù hợp. 

Theo dõi các phiên chất vấn, người dân cả nước phần nào hiểu được bức tranh chung của các vấn đề trong nội dung chất vấn; biết được và hiểu Chính phủ cùng bộ máy đã làm gì để hiện thực hoá chính sách; có những biện pháp nào để khắc phục những điểm yếu tồn tại; cùng trao đổi kinh nghiệm và đóng góp để cải thiện tình hình. 

Đây cũng là mục đích chính của các phiên chất vấn. Mong muốn của người dân là các chính sách, lời hứa của các bộ trưởng sớm trở thành hiện thực.

Có bộ trưởng đã có kinh nghiệm quản lý và điều hành (Bộ trưởng Đào Ngọc Dung), có bộ trưởng mới nhậm chức (Bộ trưởng Hầu A Lềnh)… nhưng câu trả lời của họ đều thể hiện sự cầu thị, thạo việc, và trên hết là nỗ lực để cải thiện tình hình. Các câu trả lời tuy chưa đáp ứng hết yêu cầu của người hỏi nhưng đã thể hiện được mong muốn và tâm huyết của cả người hỏi và người trả lời.

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: Có 99 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. Có 46 đại biểu tham gia chất vấn, trong đó 35 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi và 11 đại biểu phát biểu tranh luận. Điều này thể hiện sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ 2 đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và đăng đàn trả lời chất vấn. Ông nắm chắc các quy định của Nhà nước và thực trạng lĩnh vực quản lý; trả lời trọng tâm, giải trình thỏa đáng các vấn đề được nêu, đồng thời đề xuất được nhiều giải pháp hoàn thiện. Nhưng theo tôi, khâu tổ chức thực hiện mới quan trọng và cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành.

Nhóm vấn đề về dân tộc, Bộ trưởng Hầu A Lềnh tuy mới giữ trọng trách và lần đầu tiên đăng đàn, nhưng nắm khá rõ về công việc mình phụ trách. Theo ông, Nghị định 05 ban hành từ năm 2011 và đã qua 2 lần đại hội Đảng, các chính sách dân tộc và công tác dân tộc đã được các bộ, ngành triển khai nghiêm túc. Ông cho biết, trong 12 năm qua, các bộ, ngành đã ban hành 415 văn bản, các địa phương 711 văn bản. 

Tuy nhiên, sau quá trình rà soát và đánh giá, nhiều chủ trương, chính sách liên quan vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được cập nhật và bổ sung. Một số vấn đề thực tiễn cần phải được điều chỉnh. Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho người dân, còn lại giải quyết vào giai đoạn 2026-2030.

Từ tranh luận của các đại biểu Quốc hội, người dân có thể thấy, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và rất cần chi tiết, cụ thể trong việc thực hiện. Đồng thời, không thể coi thường yếu tố đặc trưng dân tộc và đặc thù địa phương cũng như truyền thống riêng của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Để triển khai hiệu quả, như Bộ trường Hầu A Lềnh nhận định, phải có chính sách chung của Nhà nước và sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương.

Mạnh Hùng


Bạn đang đọc bài viết "Chất vấn và trả lời chất vấn: Con số nói lên tất cả" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).