Chứng khoán FPT (FTS): Lãi quý I/2025 đạt 100 tỷ đồng, giảm 19% do chi phí dự phòng tăng mạnh

23/04/2025 00:17

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, HoSE: FTS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đã thực hiện đạt hơn 100 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tăng cao và mảng môi giới kém hiệu quả.

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, FPTS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động kinh doanh và tài chính (đã thực hiện) đạt gần 314 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2024. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 31% kế hoạch doanh thu cả năm (1.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đã thực hiện chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, giảm 19% so với quý I/2024 và mới hoàn thành 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm (500 tỷ đồng).

Phân tích cơ cấu kết quả kinh doanh cho thấy, mảng cho vay ký quỹ (margin) vẫn là động lực chính khi lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 34% so với cùng kỳ, đạt gần 174 tỷ đồng. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng này không đủ bù đắp cho mức tăng mạnh của chi phí dự phòng.

Cụ thể, chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính, cùng chi phí đi vay của các khoản cho vay lên tới 77 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng tăng mạnh đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của công ty.

Bên cạnh đó, hoạt động môi giới chứng khoán cũng cho thấy sự sụt giảm hiệu quả khi chỉ mang về khoản lãi "mỏng" hơn 3 tỷ đồng, chỉ bằng 10% so với quý I/2024.

Sau khi trừ các chi phí, FPTS ghi nhận lợi nhuận sau thuế (lãi ròng) gần 153 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Dư nợ margin vượt 7.000 tỷ, tiếp tục "ôm" chặt cổ phiếu MSH

Tính đến ngày 31/03/2025, quy mô tổng tài sản của FPTS đạt hơn 10.706 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm.

Trong cơ cấu tài sản, khoản mục cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 7.612 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) chiếm tới hơn 7.000 tỷ đồng.

Danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) có giá trị hợp lý gần 2.065 tỷ đồng, tăng 8%. Danh mục này chủ yếu bao gồm tiền gửi có kỳ hạn và chứng chỉ tiền gửi (hơn 839 tỷ đồng), trái phiếu Chính phủ và trái phiếu tổ chức tín dụng (gần 651 tỷ đồng), và cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch (gần 573 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong danh mục cổ phiếu FVTPL, khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng chiếm gần như toàn bộ giá trị, đạt gần 572 tỷ đồng. Giá trị thị trường này cao gấp 42 lần so với giá vốn ban đầu, cho thấy khoản đầu tư chiến lược dài hạn này đã mang lại hiệu quả vượt trội cho FPTS.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc FPTS Nguyễn Điệp Tùng khẳng định công ty chưa có ý định chốt lời cổ phiếu MSH. Ông Tùng nhấn mạnh FPTS không tập trung tự doanh lướt sóng trên sàn mà thực hiện đầu tư trực tiếp dài hạn vào doanh nghiệp, đồng hành cùng sự phát triển như trường hợp của MSH trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng thay đổi nếu điều kiện thị trường hoặc chiến lược hợp tác có sự điều chỉnh.

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả của FPTS cuối quý I là gần 6.088 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chiếm 57% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn vay chủ yếu đến từ các ngân hàng lớn như VIB, MSB, VPBank, Vietcombank, VietinBank để tài trợ cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán FPT (FTS): Lãi quý I/2025 đạt 100 tỷ đồng, giảm 19% do chi phí dự phòng tăng mạnh" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).