Cổ đông ngày càng thất vọng khi cổ phiếu SHB trên đà "tuột dốc"

15/12/2019 22:23

DNCS - Tại SHB, ông Nguyễn Văn Lê được xem như một “công thần” khi nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc từ năm 1999 đến nay. Tuy nhiên, cổ phiếu SHB lại liên tục giảm giá và trở thành cổ phiếu ngành ngân hàng có thị giá thấp nhất sàn chứng khoán khiến không ít cổ đông vô cùng thất vọng.

Tiền thân của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái được thành lập vào năm 1993 và có trụ sở tại Cần Thơ. Ngân hàng này được chuyển đổi mô hình từ Ngân hàng TMCP Nông thôn sang Ngân hàng TMCP đô thị vào năm 2006.

Ông Nguyễn Văn Lê có 20 năm làm việc tại SHB với cương vị Tổng Giám đốc nhưng cổ phiếu SHB đã trượt dài từ khi lên sàn chứng khoán đến nay.

Ông Nguyễn Văn Lê giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nhơn Ái (nay là SHB) vào năm 1999 khi ông mới 26 tuổi. Đến nay, SHB tròn 26 tuổi và ông Nguyễn Văn Lê đã gắn bó với ngân hàng này đến 20 năm trên cương vị Tổng Giám đốc. Có lẽ đây là một trong những cá nhân giữ chức Tổng Giám đốc của một ngân hàng có thời gian dài nhất tại Việt Nam.

SHB là một trong số ít ngân hàng đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán sớm nhất. Cổ phiếu SHB lên sàn chứng khoán vào 20/4/2009 chỉ sau STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

SHB đã “can đảm” đưa cổ phiếu lên sàn ngay thời điểm thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh khi chỉ số VN-Index và HNX-Index giảm 80% từ đỉnh vào được thiết lập vào tháng 3/2007.

Từ lúc cổ phiếu SHB lên sàn đến nay đã hơn 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục đơm hoa, kết trái. Trong thời gian này, VN-Index tăng 203% tương đương gấp đôi tiền gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm thế nhưng cổ phiếu SHB đã trượt dài khiến nhà đầu tư thiệt hại kép.

Nếu nhà đầu tư mua SHB ngay đỉnh ngày 12/6/2009 và nắm giữ đến nay, tài sản sẽ bốc hơi 71%. Điều này có nghĩa, nếu có 100 triệu đồng gửi ngân hàng sau 10 năm sẽ được 200 triệu đồng nhưng nhà đầu tư chọn mua cổ phiếu và kết quả chỉ còn 29 triệu đồng.

Tại thời điểm 30/9/2019, SHB có 7.227 tỷ đồng nợ xấu. So với đầu năm, nợ xấu đã tăng 2.028 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,4% lên 2,86%.

Nợ xấu chưa dừng ở đó mà hứa hẹn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mới đây CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) - chủ đầu tư dự án Cocobay đã hủy cam kết trả lợi nhuận khiến nhiều khách hàng mua sản phẩm condotel Cocobay khốn đốn.

Được biết, tháng 9/2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ký hợp đồng hợp tác Tập đoàn Empire và trở thành ngân hàng độc quyền cho vay mua bất động sản dự án Cocobay - một dự án có vốn đầu tư lên tới 14.000 tỷ đồng. Theo đó, SHB cho khách hàng vay lãi suất cố định 8%/năm trong 12 tháng hoặc 8,5%/ năm trong 18 tháng, SHB miễn phí phạt trả nợ trước hạn sau 60 tháng.

Thời gian vay lên tới 15 năm dành cho khách hàng doanh nghiệp và 25 năm dành cho khách hàng cá nhân, mức cho vay lên đến 90% nhu cầu vốn và được ân hạn nợ gốc tới 12 tháng. Chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ cho thuê bất động sản tối thiểu 12%/năm trong 8 năm đầu. SHB còn cho rằng, chỉ với vốn ban đầu từ hơn 400 triệu đồng, khách hàng đã có thể sở hữu căn hộ dự án với tỷ suất sinh lời cao, hay 90 triệu đồng sẽ được sở hữu ngay kỳ nghỉ dưỡng cùng với gói hỗ trợ nhiều ưu đãi vượt trội.

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó, các khách hàng của Cocobay đã bị “ăn bánh vẽ” khi ngày 23/11 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Empire gửi thư xin lỗi khách hàng đã mua sản phẩm condotel Cocobay vì không thể thực hiện việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết 12%/năm trong 8 năm đầu.

Tập đoàn Empire chỉ chi trả lợi nhuận đến ngày 31/12/2019 cho các chủ sở hữu condotel. Sau thời điểm này, tập đoàn sẽ chấm dứt chi trả thu nhập như cam kết trong hợp đồng mua bán condotel Cocobay.

Sau thông báo này, khách hàng trót mua sản phẩm condotel Cocobay như ngồi trên đống lửa vì có khả năng không thu được vốn góp ban đầu. Còn đối với cổ đông của SHB lo lắng khoản cho vay tại Cocobay có thể trở thành nợ xấu khi thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng rơi vào trạng thái “thở oxy” khiến cổ phiếu SHB giảm giá trong nhiều ngày liên tiếp.

Vì sao cổ phiếu SHB đã trượt dài trong 10 năm qua để đóng cửa ngày 13/12 chỉ còn 6.000 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất sàn chứng khoán. Đây là câu hỏi mà chỉ có người trong cuộc mới có thể trả lời.

Theo:Trí Nguyễn/nguoitieudung.com.vn

Link gốc: http://www.nguoitieudung.com.vn/co-dong-ngay-cang-that-vong-khi-co-phieu-shb-tren-da-tuot-doc-d79613.html?fbclid=IwAR1lWHrcC6ka5tuH6GazfzRAzQDbKqO6xVrW64R8o0CZJtw_Xsvpj2uGCEc

Bạn đang đọc bài viết "Cổ đông ngày càng thất vọng khi cổ phiếu SHB trên đà "tuột dốc"" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).