Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa trải qua những phiên giảm điểm mạnh sau thông tin về chính sách thuế từ Mỹ (VN-Index mất 17% chỉ trong 4 phiên đầu tháng 4/2025), ĐHĐCĐ thường niên 2025 của CTCP Chứng khoán Thành Công (TCI) đã được tổ chức và thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Kế hoạch lãi cao nhất 4 năm, quý 1 tăng trưởng 60%
Đại hội đã phê duyệt kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2025 với các chỉ tiêu: Doanh thu: Gần 277 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế: 125 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế: 100 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng thể hiện mức tăng trưởng 76% so với kết quả thực hiện năm 2024 và là con số cao nhất TCI đặt ra trong vòng 4 năm trở lại đây.
Ngay trước thềm đại hội, TCI cũng đã công bố kết quả kinh doanh riêng lẻ quý 1/2025 với những tín hiệu tích cực. Cụ thể, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 22 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động trong quý chủ yếu đến từ lãi các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) với 27 tỷ đồng và lãi từ cho vay, phải thu đạt 21 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường biến động, khoản lỗ từ hoạt động tự doanh (lỗ FVTPL) chỉ ghi nhận gần 200 triệu đồng. Chi phí môi giới và chi phí tài chính trong quý 1 lần lượt tăng 30% và 170% so với cùng kỳ.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/03/2025, lượng tiền mặt của TCI tăng mạnh lên 468 tỷ đồng (so với 187 tỷ đồng đầu năm). Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) giảm nhẹ 13% còn 367 tỷ đồng, bao gồm các cổ phiếu như BBT, HTP và HPG.
Tự doanh "tổn thất nhẹ", chờ cơ hội giải ngân
Chia sẻ về khả năng chống chịu của hoạt động tự doanh – mảng đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh của TCI – ông Nguyễn Khánh Linh, Chủ tịch HĐQT, cho biết trong đợt thị trường giảm sâu đầu tháng 4, danh mục tự doanh của công ty chỉ ghi nhận mức giảm khoảng 20 tỷ đồng, được đánh giá là không đáng kể. Việc nắm giữ lượng tiền mặt lớn cũng mở ra cơ hội mua vào cho TCI khi thị trường điều chỉnh.
Ông Nguyễn Đông Hải, Phó Chủ tịch HĐQT, nhấn mạnh chiến lược tự doanh của TCI thiên về đầu tư giá trị một cách thận trọng. Công ty tập trung vào các nhóm ngành như ngân hàng, tiện ích (điện, nước) và các ngành hưởng lợi từ đầu tư công, đặc biệt nếu trục xuất khẩu suy yếu. "Bản chất các doanh nghiệp mà TCI đầu tư không thay đổi nhiều về nội tại... Có thể giá bị biến động nhưng khi thị trường ổn định lại thì giá sẽ quay lại," ông Hải nhận định.
Ban lãnh đạo TCI bày tỏ quan điểm thận trọng từ cuối quý 1 và đã giảm tỷ trọng nắm giữ. Tuy nhiên, họ cũng kỳ vọng thị trường có thể ổn định và quay trở lại trước thời điểm giảm vào khoảng cuối tháng 4 hoặc trong quý 2, xem đây là cơ hội để tích lũy thêm các khoản đầu tư tiềm năng.
Kiểm soát tốt rủi ro margin, kỳ vọng tăng trưởng sau tăng vốn
Liên quan đến hoạt động cho vay ký quỹ (margin), ông Nguyễn Đức Hiếu, Tổng Giám đốc TCI, cho biết công ty đã rất cân nhắc trong giai đoạn thị trường hoảng loạn và may mắn không phát sinh khoản nợ xấu nào. Dư nợ margin trên toàn thị trường cũng đã giảm về mức bình thường sau đợt bán giải chấp.
TCI định hướng cho vay margin tập trung vào các cổ phiếu bluechip hoặc có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản cao, với ưu tiên hàng đầu là an toàn vốn. Thách thức hiện tại của công ty là nguồn vốn còn hạn chế và chi phí vốn chưa thực sự cạnh tranh. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ giúp TCI mở rộng năng lực cho vay. Công ty tự tin có thể ứng phó tốt với các diễn biến thị trường.