Dự án bị Thanh tra Chính phủ 'điểm mặt chỉ tên' sai phạm, Hà Đô Group đặt tham vọng mảng năng lượng

19/01/2024 12:09

Hà Đô Group đặt mục tiêu có 1 GW công suất phát điện vào 2030. Trong khi việc phát triển dự án năng lượng tái tạo tạm thời bị đứng lại, tập đoàn vẫn tích cực M&A dự án thủy điện để thực hiện mục tiêu.

Đầu tư mạnh mảng năng lượng

CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM. Doanh nghiệp này tiền thân xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc Phòng thành lập 1990. Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT là người đặt nền móng đầu tiên xây dựng nên Tập đoàn Hà Đô, đóng góp lớn cho sự phát triển tập đoàn từ ý tưởng cho tới chiến lược đầu tư. Chủ tịch HĐQT sở hữu 32% vốn công ty, cổ đông lớn nhất.

Khởi thủy mảng xây lắp, đến năm 1994, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và năm 2006 lấn sân mảng năng lượng. Vào năm 2021, tập đoàn thoái vốn mảng xây lắp, tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm bất động sản, năng lượng và đầu tư tài chính.

Trước đây, mảng bất động sản mang lại nguồn thu chính nhưng thời gian gần đây, mảng năng lượng dần trở thành trụ cột của Hà Đô.Ở mảng bất động sản, Hà Đô gây dấu ấn với nhiều dự án ở Hà Nội và TP. HCM như khu đô thị Hado Centrosa Garden, Hà Đô Thới An, khu nhà ở 183 Hoàng Văn Thái, chung cư cao cấp Hado Parkside…

Trong các năm gần đây, dự án Hado Charm Villas là điểm nhấn sau Hado Centrosa Garden. Dự án được mở bán đầu tiên vào tháng 12/2020 và gặt hái được thành công lớn. Công ty ước tính ghi nhận doanh thu khoảng 3.500 tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2023 từ dự án.

Sau Hado Charm Villas, tập đoàn dự định triển khai gối đầu loạt dự án cho năm 2022 trở đi như Hado Green Lande tại quận 8, Hado Minh Long tại Thủ Đức, dự án 62 Phan Đình Giót tại quận Thanh Xuân, dự án khu hỗn hợp Dịch Vọng tại quận Cầu Giấy, Noongtha Central Park thủ đô Viêng Chăn – Lào…

Đồng thời, công ty cũng tập trung mở rộng quỹ đất ở các vùng có định hướng phát triển khu đô thị, khu công nghiệp của Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh giáp liền kề của 2 thành phố.

Tuy nhiên, trước diễn biến đi xuống của ngành, trong năm 2022 và 2023, tập đoàn tập trung triển khai hoàn thiện dự án Hado Charm Villas, chưa phát triển thêm được quỹ đất, chưa triển khai đầu tư quỹ đất hiện hữu và chờ thời điểm mở bán hợp lý để tối ưu hiệu quả cho các sản phẩm sẵn có. Tính đến cuối tháng 10/2023, dự án Hado charm Villas đã hoàn thiện toàn bộ mặt ngoài của 528 sản phẩm và hoàn thiện nốt các hạng mục tiện ích, hạ tầng để đưa vào sử dụng.

Đồng thời, Hà Đô trì hoãn mở bán các sản phẩm còn lại của dự án do ban lãnh đạo đánh giá thị trường bất động sản còn khó khăn, chưa phải thời điểm có thể tối ưu hóa lợi nhuận. Do vậy, doanh thu mảng bất động sản trong năm 2022 và 2023 chủ yếu đến từ bàn giao các sản phẩm đã mở bán từ 2020 – 2021 của dự án Hado Charm Villas.

Về kết quả kinh doanh, doanh nghiệp báo cáo doanh thu 9 tháng đạt 2.020 tỷ đồng, giảm 19%; lợi nhuận ròng 423 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm trước.Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong 9 tháng 2023, Hà Đô chỉ bàn giao 15 căn hộ tại Hado Charm Villas trong khi cùng kỳ 66 căn khiến doanh thu bất động sản giảm mạnh từ 786 tỷ xuống 183 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp mảng bất động sản cũng thấp hơn đáng kể do đã bắt đầu trích lập dự phòng chi phí sử dụng đất tại dự án Hado Charm Villas và Hado Riverside kể từ quý IV/2022.

Đồng thời, kết quả kinh doanh của các nhà máy điện sụt giảm do tình hình thủy văn kém thuận lợi, doanh thu 1.295 tỷ đồng, giảm 11,5%. BVSC cho rằng kết quả kinh doanh Hà Đô quý IV/2023 sẽ không nhiều tiến triển và kỳ vọng 2024 tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng bất động sản.

Đến năm 2019, mảng năng lượng mới đóng góp 11,2% doanh thu và 23% lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, đến 2022, các nhà máy năng lượng đóng góp 59% doanh thu và 69% lợi nhuận gộp; 9 tháng năm nay, tỷ trọng đóng góp tăng lên lần lượt 64% và 75%. Động lực đến từ việc liên tiếp các nhà máy điện đi vào vận hành như Hồng Phong 4, Za hưng, Nậm Pông…

Đặc biệt, năm 2021, đồng loạt 3 nhà máy năng lượng tái tạo gồm Điện gió 7A, Thủy điện Sông Tranh 4, Thủy điện Đăk Mi 2 của Hà Đô Group đưa vào vận hành.Tuy nhiên, sau đó, mảng năng lượng tái tạo dần bộc lộ nhiều khó khăn trong khâu đầu tư, cơ chế chính sách chưa rõ ràng nên doanh nghiệp gần như không thể triển khai thêm dự án nào từ 2022 đến nay. Lãnh đạo Hà Đô đánh giá chi phí đầu tư dự án năng lượng tái tạo khá lớn, thời gian hoàn vốn dài trong khi khung giá phát điện còn thấp, chi phí sử đòn bẩy không còn rẻ khiến doanh nghiệp gặp khó khi ra quyết định đầu tư.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm

Tại thông báo kết luận thanh tra về quản lý và đầu tư xây dựng các dự án điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt các vi phạm trong phát triển điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận.

Trong đó, CTCP Hà Đô Bình Thuận (chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4), là công ty con 100% vốn của CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) đã xây dựng nhà máy trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

Cụ thể, công ty con của Hà Đô Group, công ty cổ phần Hà Đô Bình Thuận, đã xây dựng Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai, vi phạm quy định tại các quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Bình Thuận (việc cho thuê đất trong thời gian này để các công ty thực hiện các trình tự thủ tục ký hơp đồng mua bán điện, tập kết vật tư thiết bị thi công, xin phép xây dựng, triển khai các thủ tục hành chính cho công việc phụ trợ khác).

Dự án cũng vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, mặt bằng xây dựng chưa được bàn giao. Trong quá trình thi công đến ngày vận hành thương mại, chủ đầu tư đã khắc phục vi phạm, tuy nhiên, các vi phạm trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1/7/2019 được áp dụng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).

Kết luận thanh tra nêu rằng trách nhiệm thuộc về Công ty cổ phần Hà Đô Bình Thuận và cơ quan quản lý cấp xã, huyện, tỉnh liên quan. Hồng Phong 4 là dự án điện mặt trời đầu tiên của Hà Đô Group, tổng đầu tư 1.000 tỷ đồng công suất 48 MWp. Năm 2022, dự án mang lại 196 tỷ đồng cho tập đoàn và 9 tháng năm nay là 154 tỷ đồng.

Hiện nay, Hà Đô Group có 8 nhà máy điện gồm 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió; tổng công suất phát điện 462 MW và doanh thu 2.000 tỷ mỗi năm.

Tắc ở dự án năng lượng tái tạo, tập đoàn vẫn đẩy mạnh M&A nhà máy thủy điện để thực hiện mục tiêu có 1 GW công suất phát điện đến 2030 và doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vào tháng 5/2023, tập đoàn thông qua đơn vị thành viên - Công ty cổ phần Za Hưng nhận chuyển nhượng 99% vốn Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng thủy điện Sơn Linh. Đây là chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Sơn Nham (6,8 MW) và Sơn Linh (7 MW) tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi chuyển nhượng, công suất 2 nhà máy dự kiến được nâng lên tổng 24 MW, trong đó Sơn Nham (9 MW) và Sơn Linh (15 MW).

Cho đến hết quý III/2023, doanh nghiệp cho biết 2 dự án đang được cấp tập hoàn thiện các thủ tục pháp lý và hoàn thiện các nghiên cứu khả thi, thiết cơ cơ sở và các hạng mục khác. Chủ đầu tư triển khai san lấp mặt bằng, thi công đường vận hành dẫn vào đập và nhà máy.

Bạn đang đọc bài viết "Dự án bị Thanh tra Chính phủ 'điểm mặt chỉ tên' sai phạm, Hà Đô Group đặt tham vọng mảng năng lượng" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).