Đưa chợ truyền thống lên trực tuyến, chuyển đổi bán lẻ theo xu hướng

16/05/2024 10:30

Ngành công thương đang xúc tiến xây dựng mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống nhằm tổ chức lại kênh bán lẻ.

Giúp tiểu thương bắt kịp công nghệ

Giữa tháng 5/2024, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch liên tịch tổ chức tập huấn và thí điểm mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thương mại điện tử là xu thế tất yếu nhưng nhiều thương nhân chợ truyền thống chưa bắt kịp xu thế phát triển thương mại này.

“Chương trình nhằm cung cấp giải pháp cụ thể để hỗ trợ thương nhân tiếp cận, thích nghi với phương thức tiếp thị, bán hàng, phục vụ khách hàng… thông qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội đồng thời duy trì bản sắc văn hóa đặc trưng của chợ truyền thống”, ông Hùng nói.

Các Sở ngành sẽ tổ chức tập huấn lưu động tại các chợ để tuyên truyền kỹ năng số, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và xây dựng cửa hàng trực tuyến, qua đó nâng cao nhận thức của thương nhân về yêu cầu chuyển đổi số, thích ứng với thương mại diện tử trong hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống.

Theo kế hoạch, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng một số đơn vị xây dựng "Kênh tiếp thị liên kết" để phục vụ hoạt động truyền thông, quảng bá chợ và hỗ trợ thương nhân bán hàng.

Song song đó là xúc tiến hình thành "Không gian bán hàng trực tuyến" tại chợ để hỗ trợ thương nhân bán hàng trực tuyến và tổ chức các khoá tập huấn, thực hành kỹ năng bán hàng trực tuyến, đào tạo người sáng tạo nội dung (KOLs)… tại chợ; hỗ trợ thương nhân trực tiếp khởi tạo, vận hành gian hàng trực tuyến và hỗ trợ họ nâng cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua "Kênh tiếp thị liên kết", "Không gian bán hàng trực tuyến" và KOLs của chợ.

Báo cáo quý 1/2024 của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, sức mua của người dân và số lượng tiểu thương hoạt động tại các hệ thống chợ truyền thống có xu hướng giảm sau đại dịch.

Với các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, số tiểu thương quay lại kinh doanh đạt từ 80% - 100%; ngành hàng khác như quần áo, vải, giày dép,… khoảng 30% - 70%.

Qua khảo sát, tùy theo chợ, đặc thù khu vực và tùy thời điểm, hiện nay lượng khách đến tại chợ giảm 20% - 30% so với thời điểm trước dịch và giảm 30% - 50% so với thời điểm năm 2019.

Trong khi đó, đầu tháng 5/2024, các tiểu thương ở thành phố Đà Nẵng đã được tập huấn kinh doanh trên môi trường số và kiến thức livestream.

Theo ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, việc mua bán hàng hóa thông qua livestream đang phát triển nhanh chóng, trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và bán hàng hóa mà không phải tốn nhiều chi phí, nhân lực.

Đây cũng là phương thức được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn khi mua sắm trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (Facebook, Shopee, Tiktok...).

Cần mô hình mới cho chợ truyền thống

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Công Thương cũng đang nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp cải thiện kinh doanh, đầu tư, cải tạo chợ cho tiểu thương và người dân, hỗ trợ tiểu thương thay đổi cách thức bán hàng, quảng bá sản phẩm.

Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 79 chợ nằm trong quy hoạch, trong đó có 3 chợ hạng 1; 14 chợ hạng 2; 62 chợ hạng 3 và chợ tạm; không có chợ đầu mối. Trong số 79 chợ thì 66 chợ do nhà nước quản lý; 13 chợ do doanh nghiệp quản lý.

Phần lớn chợ nằm trên địa bàn đô thị đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không được đầu tư mới từ ngân sách Nhà nước, mà phải thực hiện việc xã hội hóa đầu tư.

Tuy nhiên, do có một số chợ không thu hút được nhà đầu tư tham gia xã hội hóa dẫn đến tình trạng chợ ngày càng xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của một số chợ đầu tư xã hội hoá do doanh nghiệp quản lý đã bị xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Hiện nay, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, Trung tâm thương mại, mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử, qua web, qua mạng xã hội... ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Từ đó dẫn đến tình trạng buôn bán tại chợ truyền thống ế ẩm (đặc biệt ở các mặt hàng quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng,…), tiểu thương nghỉ bán, quầy, sạp không có người thuê,... nên thị phần của chợ truyền thống dần bị thu hẹp lại.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu có 63 chợ nhưng sức mua giảm hơn 60% vì sự phát triển của các trang mạng bán hàng trực tuyến và tiện lợi. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đây là thách thức trong việc hoàn thành chỉ tiêu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu ngân sách khi đến nay vẫn gần như không thể thu thuế các trang bán hàng online.

Do đó, tỉnh Bạc Liêu đang nghiên cứu để khai thác giá trị tăng thêm và thúc đẩy các chợ truyền thống phát triển thông qua việc gắn kết các chợ này với các tour, tuyến du lịch.

Đó là du khách sẽ tham quan chợ cá đồng, rau đồng, bánh quê ở chợ Phước Long, Hồng Dân khi tuyến du lịch sông nước trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp được đưa vào khai thác. Hay tuyến phố đi bộ từ cụm nhà Công tử Bạc Liêu đến chợ Bạc Liêu để mua các đặc sản của vùng đất Bạc Liêu và thưởng thức các món ngon ở khu vực chợ đêm.

Trong khi đó, đối với loại hình bán hàng chạy theo livestream trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức ứng, dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các cơ sở, doanh nghiệp, và các hộ tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Tuy nhiên, đa phần các tiểu thương nơi đây đều đã lớn tuổi, nên việc tiếp cận với công nghệ là một rào cản đối với việc phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số hiện nay.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm, đơn vị đang phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại tính hiệu quả của các chợ truyền thống trên địa bàn, để có phương án sắp xếp, bố trí lại các điểm kinh doanh theo ngành hàng kinh doanh.

Đối với các chợ hoạt động không hiệu quả, phải tính đến phương án sửa chữa, chuyển đổi công năng nhà lồng chợ để hoạt động hiệu quả hơn.

Bạn đang đọc bài viết "Đưa chợ truyền thống lên trực tuyến, chuyển đổi bán lẻ theo xu hướng" tại chuyên mục Thị trường. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).