Hạn chế giờ làm thêm của sinh viên: Khó khả thi

05/04/2024 09:30

Theo chuyên gia việc đề xuất quy định cơ sở giáo dục quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gan là khó thực hiện và đem lại hiệu quả.

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục là một trong những điểm mới đáng chú ý.

Cụ thể, dự thảo quy định về việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên, theo Điều 30 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định: Học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.

Điều 30 cũng nêu rõ: “Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh sinh viên làm việc bán thời gian”.

Về nội dung này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn lao động Tp.HCM bày tỏ dự thảo thể hiện các nhà làm luật mong muốn sinh viên tập trung, dành thời gian chất lượng để đảm bảo quá trình học tập. Điều này là dễ hiểu khi đây sẽ là lực lượng lao động trẻ, chất lượng cao cung cấp cho thị trường lao động.

Tuy nhiên, ông Triều cho rằng các em sinh viên đến từ nhiều vùng miền và có hoàn cảnh khác nhau nên có nhiều mục đích để lựa chọn đi làm thêm. “Ngoài tích luỹ kinh nghiệm các em có nhu cầu đi làm để mong muốn thu nhập trang trải cuộc sống vì vậy không nên khống chế giờ làm việc với nhóm đối tượng này”, ông Trần Văn Triều đưa ra quan điểm.

Giáo dục - Hạn chế giờ làm thêm của sinh viên: Khó khả thi

Sinh viên cần cân bằng giữa việc học và làm thêm (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo đó, nên để cho các em được lựa chọn thời gian biểu hợp lý những vẫn đảm bảo tuân thủ theo Luật Lao động, không nên quy định chặt chẽ cụ thể số giờ.

Với quy định cơ sở giáo dục quản lý các em làm việc bán thời gian, ông Triệu cũng cho rằng nội dung này rất khó thực hiện, thậm chí là không quản lý được. “Trường học là nơi đào tạo, quản lý chuyên môn còn việc làm thêm cuộc sống bên ngoài nhà trường của các em rất khó để nắm bắt, quản lý. Theo tôi nên bỏ quy định này, vì dẫn dễ dẫn đến tình trạng luật quy định nhưng không thực hiện, gây phức tác trong quá trình thực thi”, ông Trần Văn Triều kiến nghị.

Cũng cho rằng sinh viên có nhiều lý do để quyết định đi làm thêm, ThS.Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội bày tỏ: “Việc làm thêm đa phần xuất phát từ nhu cầu tự thân và cần thiết để một sinh viên có thể trưởng thành toàn diện hơn. Tuy nhiên, có không ít học sinh, sinh viên vì các công việc làm thêm mà bỏ bê việc học hành, dẫn đến kết quả học tập sa sút. Bởi vậy, việc có quy định về giờ làm thêm của học sinh, sinh viên là cần thiết nhưng phải tính đến phương án quản lý và khả thi với từng đối tượng”.

Ở đây, theo ông Ngọc Anh cần tính đến việc chia từng đối tượng cụ thể vì học sinh khác sinh viên. Với học sinh chủ yếu đang phụ thuộc gia đình, việc quy định số giờ làm ở mức phù hợp. Nhóm sinh viên đã là người trưởng thành, nhiều sinh viên sống xa nhà, gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần thời gian làm thêm nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập, hoặc có những công việc làm thêm bổ trợ trực tiếp cho ngành học tại trường. 

Giáo dục - Hạn chế giờ làm thêm của sinh viên: Khó khả thi (Hình 2).

ThS.Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội.

“Cũng phải tính đến khối lượng làm thêm của sinh viên năm nhất, năm 2, năm 3… Đó là những trường hợp mà các văn bản cần tính đến để không làm khó cho sinh viên”, ông Ngọc Anh cho ý kiến.

Trên thực tế việc tham gia thị trường lao động từ sớm sẽ giúp các em có thêm kiến thức, trải nghiệm, đặc biệt nhiều doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi kinh nghiệm đối với các ứng viên.

Đưa ra hướng đi, lên kế hoạch học tập, làm việc cho các em ông Đỗ Ngọc Anh chia sẻ: “Để cân bằng giữa học tập và việc làm thêm, các em sinh viên cần xác định mức độ ưu tiên để quản lý tốt thời gian của mình. Các em cần đặt câu hỏi và trả lời cho câu hỏi đó: bản thân cần gì và mục tiêu của bạn là gì khi đến với công việc làm thêm đó.

Có nhiều công việc làm thêm, nhưng theo tôi, các em nên ưu tiên tìm kiếm các công việc có liên quan đến chuyên môn đang được đào tạo để việc làm thêm vừa bổ trợ cho việc học, vừa có thêm thu nhập”.

Để có thể cân bằng việc học và làm thêm, chuyên gia khuyên những công việc có thời gian linh động sẽ phù hợp với sinh viên vì các bạn có thể lựa chọn lịch làm phù hợp với lịch học và sinh hoạt của mình. Ngoài ra, địa điểm làm việc cũng là một yếu tố cần xem xét để có thể thuận tiện cho việc đi lại, sắp xếp thời gian hợp lý hơn.  

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất dự thảo Luật Việc làm gồm 8 chương, 145 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều). Bên cạnh các quy định chung, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất các quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ tạo việc làm (25 điều); đăng ký lao động (14 điều); hệ thống thông tin thị trường lao động (9 điều); phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (27 điều); dịch vụ việc làm (10 điều); bảo hiểm thất nghiệp (49 điều).

Bạn đang đọc bài viết "Hạn chế giờ làm thêm của sinh viên: Khó khả thi" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).