"Hăng hái “đại học hoá” nhưng quên mất hệ quả không đủ người để dạy”

10/04/2024 16:16

Theo các chuyên gia, việc nâng trình độ giáo viên để đáp ứng hiệu quả công việc là phù hợp xu hướng, tuy nhiên phải mang tính thực tế và có khả năng thực hiện.

Trước dự báo thiếu hàng nghìn giáo viên tham gia giảng dạy Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã phải đưa ra đề xuất tuyển người có trình độ cao đẳng dạy một số môn. Theo các chuyên gia, việc thiếu giáo viên qua nhiều năm với số lượng ngày càng tăng cao là do hệ quả của nhiều nguyên nhân.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT phân tích, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học được xây dựng dựa trên nhu cầu của thị trường lao động, từ đó trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp với xu thế thực tiễn, đảm bảo mục tiêu không lãng phí thời gian đào tạo, học tập của học sinh.

Với nguyên tắc theo theo chuyên gia, một trong những nguyên nhân phải đề xuất tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng là do chúng ta tiếp cận chủ quan từ bên cung mà không phải từ yêu cầu của bên cầu, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hiện nay là điều không tránh khỏi.

Giáo dục - 'Hăng hái “đại học hoá” nhưng quên mất hệ quả không đủ người để dạy”

Thiếu giáo viên trầm trọng giảng dạy Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

TS.Hoàng Ngọc Vinh đánh giá: “Mong muốn nâng trình độ giáo viên để đáp ứng hiệu quả công việc hiện tại và cũng theo xu hướng của thế giới, tuy nhiên phải mang tính thực tế và có khả năng thực hiện”.

Cụ thể, ông Vinh nhận thấy điều kiện ở nước ta chưa cho phép nhanh chóng có được lực lượng giáo viên trình độ đại học tham gia giảng dạy. Không những thế điều này còn dễ dẫn đến tình trạng mua bằng, chạy bằng. Ngoài ra, cần phải hiểu không phải đào tạo ở bậc thấp hơn thì trình độ kém hơn, chưa kể rất đông các học sinh ở vùng sâu vùng xa cần được phân luồng vào học cao đẳng.

“Tuyển dụng giáo viên có bằng cao đẳng cần được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, nếu không địa phương tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn sẽ sai luật. Tuy nhiên với các bộ môn mang tính đặc thù có thể cho phép tuyển dụng từ trình độ cao đẳng trở lên, sau đó tiếp tục đào tạo để hoàn thiện về trình độ theo quy định”, ông Vinh bày tỏ.

Giáo dục - 'Hăng hái “đại học hoá” nhưng quên mất hệ quả không đủ người để dạy” (Hình 2).

TS.Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Cũng ủng hộ việc thay đổi yêu cầu trình độ giáo viên đối với các môn học Chương trình GDPT 2018, tuy nhiên TS.Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, việc thiếu hụt giáo viên trầm trọng là hệ quả của cả một loạt hành động pháp lý dẫn đến rất khó bù đắp được giáo viên "ngày một ngày hai".

“Trên thực tế, trình độ cao đẳng vẫn đủ trình độ để giảng dạy ở bậc THCS như thời gian trước đây vẫn quy định, bản thân giáo viên học cao đẳng sau đó được đào tạo dạy tích hợp liên môn vẫn đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Cần phải nhìn nhận có thời điểm chúng ta quá hăng hái “đại học hoá” tất cả nhưng quên mất hệ quả không đủ người để dạy”, ông Phương bày tỏ.

Việc thiếu hụt cũng do đặt trong bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội, cách nhìn của xã hội đối với nghề giáo cũng thay đổi.

“Trước đây, các trường cao đẳng sư phạm của tỉnh được địa phương quan tâm đầu tư nhưng khi phải tự chủ thì gặp khó khăn, nhất là đối với các cơ sở chỉ chuyên tâm đào tạo. 

Trước đây, sinh viên học sư phạm là những người có hoàn cảnh khó khăn vì được miễn giảm học phí, đến nay khi không được hỗ trợ thì sinh viên có lựa chọn tốt hơn. Cùng với đó, chính sách tinh giảm biên chế, thừa thiếu giáo viên không đồng đều... khiến cho tương lai nghề giáo không còn ổn định để theo học”, TS.Lê Đông Phương đưa ra quan điểm.

Theo báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục trung học, Vụ Giáo dục Trung học đánh giá đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu nhất là đối với giáo viên dạy các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018 như môn Khoa học Tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, …. Cấp THPT có ít giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Tỉ lệ giáo viên trên lớp chưa đủ theo quy định (Năm học 2022-2023 tỉ lệ giáo viên trên lớp là 2,19 GV/lớp đối với cấp THPT, 1,87 GV/lớp đối với cấp THCS 7). Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, khó khăn trong việc điều động đi bồi dưỡng trực tiếp, trong khi phải đảm bảo hoạt động giảng dạy bình thường tại các nhà trường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên mà Vụ Giáo dục Trung học đưa ra là do Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên THCS nên nguồn tuyển dụng còn khó khăn. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục với các ngành liên quan và chính quyền một số địa phương trong rà soát, đề xuất tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ còn chưa hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng trên báo cáo nêu rõ cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt

Chú trọng nâng chất lượng đội ngũ giáo viên cốt cán để tận dụng nguồn lực cho bồi dưỡng; kết hợp với các trường sư phạm trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Bạn đang đọc bài viết ""Hăng hái “đại học hoá” nhưng quên mất hệ quả không đủ người để dạy”" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).