Kẻ cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả bị phạt hơn 16 năm tù

12/05/2025 20:30

Theo HĐXX, hành vi các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thuốc hợp pháp nên cần xử lý nghiêm.

Chủ mưu vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh

Sau 2 ngày xét xử và nghị án, hôm nay (12/5), TAND Tp.HCM đã tuyên án vụ án Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đối với Quách Ngọc Giao (SN 1968) và 10 đồng phạm.

Kẻ cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả bị phạt hơn 16 năm tù - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả lãnh án nặng.

Theo HĐXX, căn cứ vào toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định, bị cáo Quách Ngọc Giao, Trần Văn Nghĩa, Phạm Văn Đin, Tăng Chí Đức và 7 đồng phạm khác có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh như cáo trạng quy kết.

Truy quét thuốc giả, quyết tâm dẹp nạn hàng rởmChế tài yếu khiến thuốc giả vẫn “nhởn nhơ” trên thị trườngBộ Công an thông tin mới nhất diễn biến điều tra vụ sữa giả, thuốc giả

Hành vi của các bị cáo bị phát giác khi Tổ Công tác thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an Tp.HCM phát hiện Quách Ngọc Giao đang giao cho Tăng Chí Đức một thùng giấy bên trong có 300 hộp thuốc giả mang nhãn hiệu Fugacar Janssen 500mg (viên nén xổ giun).

Từ lời khai của Giao, Tăng Chí Đức, cơ quan điều tra tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Quách Ngọc Giao, Trần Văn Nghĩa, Đào Công Tâm... thu giữ thêm nhiều tân dược giả và các công cụ, phương tiện dùng cho việc sản xuất thuốc tân dược giả.

Quá trình điều tra xác định, bị cáo Quách Ngọc Giao là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đã cùng với các đồng phạm tổ chức đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả các loại, gồm: Fugacar Janssen 500mg (thuốc trị giun), Neo-Tergynan (thuốc đặt điều trị viêm âm đạo), Becozyme (vitamin nhóm B), Enat 400 (vitamin E), Laroscorbine (vitamin C), Tanganil 500mg (trị rối loạn tuần hoàn não), Asmacort (corticosteroid trị hen suyễn), Terneurine H.5000 (thuốc thần kinh), Voltaren (thuốc giảm đau, kháng viêm).

Bị cáo Giao sau khi mua nguyên liệu từ các đối tượng không rõ lai lịch, Giao sẽ thuê Nghiệp in vỏ hộp, giấy hướng dẫn sử dụng; thuê Nghiệp cùng các bị khác gia công để bán thuốc giả thành phẩm.

Đơn cử, đối với thuốc giả hiệu Fugacar Janssen 500mg, Giao mua thuốc tân dược hiệu Mebendazole 500mg từ một người đàn ông chưa rõ lai lịch và đưa lại cho Nghiệp làm hộp thuốc giả; gia công ép viên thuốc hiệu Mebendazole 500mg thành thuốc tân dược giả hiệu Fugacar Janssen 500mg với giá 2.000 đồng/viên.

Sau khi gia công xong, Nghiệp chuyển lại thành phẩm thuốc tân dược giả hiệu Fugacar Janssen 500mg cho Giao. Khi có khách đặt hàng, Giao sẽ bán cho khách với giá 10.000 đồng/hộp.

Đối với thuốc giả hiệu Becozyme, Giao mua thuốc tân dược hiệu Vincozyn Plus tại Chợ Thuốc quận 10 với giá 29.000 đồng/hộp. Giao đặt Nghiệp làm hộp thuốc giả và thuê Đào Công Tâm gia công, sản xuất thuốc Becozyme giả với giá 3.000 đồng/hộp.

Tâm đã lột bỏ tem nhãn ống thuốc hiệu Vincozyn Plus, dán lại tem nhãn hiệu Becozyme, bỏ ống thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng vào hộp thuốc, tạo thành phẩm và giao lại cho Giao. Thuốc tân được giải hiệu Becozyme được Giao bán ra thị trường với giá 42.000 đồng/hộp.

Sau sản xuất thuốc giả thành phẩm, Giao bán ra thị trường thông qua các đầu mối tiêu thụ là Trần Văn Nghĩa, Tăng Chí Đức và nhiều người khác.

Từ nguồn hàng này, bị cáo Nghĩa, Đức bán lại cho các khách hàng lẻ, trong đó có bán cho 2 bị cáo Lê Thị Nhi, Lê Trần Thị Ý Nhi để thu lợi cá nhân. 2 bị cáo Lê Thị Nhi và Lê Trần Thị Ý tiếp tục bán thuốc giả thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo,... thu lợi từ 10-15 triệu đồng.

Tổng giá trị thuốc giả bị thu giữ trong vụ án này lên đến hơn 2 tỷ đồng, trong đó riêng tại nơi ở và kho hàng của Giao đã thu được số lượng thuốc giả trị giá hơn 1,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận lớn nhưng bị cáo chủ mưu chỉ thu lợi 90 triệu đồng?

Tại phiên tòa, bị cáo Giao khai đã bắt đầu sản xuất nhiều thuốc giả giả nhãn hiệu từ năm 2019 để bán kiếm lời. 3 năm sau, Giao mở rộng quy mô sản xuất và chủ yếu bán lại thuốc giả thành phẩm cho Trần Văn Nghĩa và Tăng Chí Đức.

Lý giải về số tiền thu lợi chỉ 90 triệu đồng, bị cáo Giao khai do hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả diễn ra trong thời gian ngắn và phần lớn tiền bán thuốc đều được tái đầu tư cho việc mở rộng sản xuất.

Các bị cáo khác cũng thu lợi từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng; tổng số tiền thu hồi từ các bị cáo là hơn 234 triệu đồng.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thuốc hợp pháp nên cần xử lý nghiêm để có tác dụng giáo dục riêng đối với từng bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.

Tuy nhiên, quá trình lượng hình, HĐXX cũng xem xét nhiều tình tiết làm căn cứ giảm cho các bị cáo một phần hình phạt. Trong đó, HĐXX xác định bị cáo Phạm Tiến Dũng và Trần Đình Sinh được xem xét giảm nhẹ vì phạm tội lần đầu, chưa hưởng lợi.

Từ các nhận định nêu trên, HđXX quyết định tuyên phạt Quách Ngọc Giao 16 năm 6 tháng tù; Trần Văn Nghĩa 9 năm 6 tháng tù; Võ Công Nghiệp 8 năm tù; Phạm Văn Đin 7 năm 6 tháng tù; Tăng Trí Đức 6 năm 6 tháng tù; Đào Công Tâm 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Bảo Xuyên 5 năm 6 tháng tù; Trần Đình Sinh 5 năm tù; Phạm Tiến Dũng 5 năm tù; Lê Thị Nhi 5 năm tù và Lê Trần Thị Ý Nhi 5 năm tù, cùng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Ngoài mức án hình sự, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo nộp ngân sách nhà nước từ 20-50 triệu đồng và phải nộp lại toàn bộ số tiền đã thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội.

Bạn đang đọc bài viết "Kẻ cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả bị phạt hơn 16 năm tù" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).