Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới

21/04/2025 09:00

Trong bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân (KTTN) phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế.

Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới - Ảnh 1

Cải cách đột phá về thể chế

Để khu vực KTTN có thể thực hiện được sứ mệnh và hiện thực hóa tầm nhìn đầy khát vọng đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ, yếu tố quan trọng nhất chính là cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để KTTN có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thị trường quốc tế. Đây không chỉ là một tuyên bố chính trị mạnh mẽ, mà còn là một lời hiệu triệu nhằm phát huy tối đa sức mạnh của KTTN, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Theo ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển KTTN đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, là định hướng hoàn toàn đúng đắn bởi nếu không lấy KTTN làm động lực thì Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực Nhà nước hay đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong, không có một nước nào phát triển kinh tế đến 2 con số mà lại thiếu đi một nền KTTN hùng hậu. Nếu KTTN bị “trói tay, trói chân” thì không thể đóng góp gì nhiều cho nền kinh tế đất nước và trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Sơn nêu quan điểm: “Tổng Bí thư Tô Lâm cùng với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành đang ở một cuộc cách mạng chưa từng có và tôi tin cuộc cách mạng này sẽ thành công”.

Theo ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, để hiện thực hóa chủ trương này, cần có cơ chế đặt hàng rõ ràng cho các tập đoàn tư nhân, giúp họ tháo gỡ khó khăn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển giao công nghệ và hướng tới phát triển bền vững, cạnh tranh được với những DN lớn. Chính sách hỗ trợ đúng hướng sẽ tạo động lực giúp DNTN phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã được ban hành và có những tác động tích cực giúp các DN nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Các chuyên gia cũng bày tỏ kỳ vọng, tới đây, Bộ Chính trị sẽ ban hành một nghị quyết riêng về phát triển KTTN, theo đó sẽ có nhiều chính sách, cơ chế đột phá để làm “bệ đỡ” cho khu vực kinh tế này phát triển bứt phá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước phát triển giàu mạnh, phồn vinh trong những giai đoạn tới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, cần chính sách khuyến khích các sáng kiến của DNTN về vấn đề thị trường, sản phẩm. Theo đó, cần tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để DNTN góp ý, nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận rằng, các DNTN lớn là những “con sếu đầu đàn”, là “đầu tàu” có thể kéo cả nền kinh tế, dẫn dắt những DN nhỏ. Nhưng bản thân các DN cũng có sự cạnh tranh với nhau về mặt thị trường. Do đó, Chính phủ cần có sự hỗ trợ về thị trường. Nền kinh tế, sản xuất kinh doanh thì phải có những DN lớn dẫn dắt thị trường, nên cần có chính sách, tạo điều kiện để các DN lớn ngày càng lớn mạnh hơn nữa để đóng vai trò dẫn dắt.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Tổng Bí thư Tô Lâm đã định vị vai trò chiến lược của KTTN là trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Tư duy về vai trò của KTTN cũng đã có sự thay đổi lớn khi được coi là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. KTTN là nguồn lực không giới hạn, có sức mạnh phát triển vượt bậc nếu được kích hoạt, thôi thúc khát khao kinh doanh, cống hiến.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đánh giá cao sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của Chính phủ khi thừa nhận KTTN là “động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong nền kinh tế”. Điều này được thể hiện qua việc Chính phủ mạnh dạn giao các dự án lớn cho DNTN thông qua các đơn đặt hàng và cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTN phát triển.

Để biến DNTN thành trụ cột của nền kinh tế, theo ông Hoàng Văn Cường, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, đặc biệt là thông qua việc đặt hàng. Lấy ví dụ về dự án đường sắt cao tốc, ông cho rằng việc giao cho DN trong nước đầu tư và sản xuất sẽ tạo ra một ngành công nghiệp đường sắt mạnh mẽ, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư công. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, sát thực tế hơn để giúp DNNVV phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Thân, muốn KTTN thực sự trở thành động lực tăng trưởng, điều quan trọng là cải thiện khả năng tiếp cận vốn, đất đai và tăng cường hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Với gần 1 triệu DN, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực KTTN hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).