Lai Châu: Đắm say phiên chợ vùng cao

24/01/2020 05:42

DNCS- Trong những bộ quần áo đẹp nhất, người dân mang đến chợ phiên San Thàng sản vật, hàng nông sản hay những vật dụng sinh hoạt truyền thống.

Chợ phiên San Thàng là phiên chợ lớn nhất của tỉnh Lai Châu với sự tham gia mua bán của bà con các dân tộc Dao, Mông, Thái, Giấy, Lự... thuộc ba huyện, thị là Tam Đường, Phong Thổ, và thành phố Lai Châu.

Chợ San Thàng không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi để bà con nhân dân các dân tộc trong vùng gặp gỡ, giao lưu và trao gửi tâm tình.

Chợ phiên San Thàng có tên gốc là chợ Tam Đường đất. Tam Đường trong tiếng của dân tộc tộc Giấy có nghĩa là ngã ba đường. Thời Pháp thuộc, Tam Đường là địa điểm trung tâm nhất của tỉnh Lai Châu ngày nay. Khi ấy, tại Tam Đường có các tuyến đường ngựa thồ nối với các huyện Phong Thổ, Bình Lư, Than Uyên nên bà con các dân tộc trong vùng chọn làm nơi họp chợ, mua bán, trao đổi sản vật.

Theo biến thiên của thời gian, các tuyến đường mới được xây dựng, nên khu vực chợ Tam Đường đất không còn là nơi trung tâm của vùng, bà con lấy tên khu vực họp chợ là bản San Thàng làm tên mới cho phiên chợ cổ xưa này.

Chợ phiên San Thàng họp vào ngày thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần. Từ sáng sớm bà con các dân tộc Lự, Giáy, Mông, Giao, Thái... ở quanh vùng tụ về chợ để mua bán, trao đổi. Trong những bộ quần áo đẹp nhất, người dân mang đến chợ sản vật, hàng nông sản hay những vật dụng sinh hoạt truyền thống. Trên một khoảng đất khá rộng ngay bên suối San Thàng, chợ phiên càng lúc càng nhộn nhịp, đông vui kéo dài đến tận giữa trưa.

Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, trò chuyện tâm tình. Có lẽ vì vậy những phiên chợ vùng biên ải luôn để lại những ấn tượng khó quên cho những ai một lần có dịp ghé thăm./.

Một vài hình ảnh tại phiên chợ cuối năm nơi phên dậu của Tổ quốc.

Nhật Thư

Bạn đang đọc bài viết "Lai Châu: Đắm say phiên chợ vùng cao" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).