Từ văn phòng sang trọng đến cái bẫy đầu tư
Sáng 8/5, Phùng Văn Quyết bước vào phòng xử án của TAND thành phố Đà Nẵng. Người đàn ông 32 tuổi, quê Quảng Ninh, lặng lẽ lắng nghe đại diện VKS đọc bản cáo trạng, mô tả chi tiết hành vi của anh ta cùng đồng phạm trong vụ lừa đảo hàng chục tỉ đồng thông qua đầu tư vào sàn giao dịch ngoại hối giả danh Soho Markets.
Kết thúc phiên xét xử, HĐXX tuyên phạt Quyết 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với Quyết, đó là cái giá phải trả sau khi tham gia một trong những đường dây lừa đảo có quy mô lớn nhất tại Việt Nam thời gian gần đây, do Phó Đức Nam (31 tuổi, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu.

Phía sau sự phát triển chóng mặt của các “sàn đầu tư quốc tế” là những văn phòng được vận hành tinh vi, quy củ, và hàng ngàn người từng tin rằng đó là cánh cửa dẫn đến giàu sang. Với chiêu bài lừa đảo này, Quyết phải ra tòa đối mặt hành vi phạm tội của mình.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2018 đến tháng 10/2024, Phó Đức Nam cùng Lê Khắc Ngọ (35 tuổi, trú Hà Nội) cấu kết với một người tên Uran (không rõ lai lịch) để lấy dữ liệu của hơn 20 sàn giao dịch tài chính quốc tế, trong đó có Soho Markets, mang về Việt Nam lập nên các "sàn đầu tư" ảo.
Để tạo vỏ bọc chuyên nghiệp, Nam và Ngọ thuê hơn 40 văn phòng tại nhiều tỉnh, thành khắp cả nước, tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên để tiếp cận, tư vấn, lôi kéo người dân đầu tư vào các "cổ phiếu quốc tế", "giao dịch tiền tệ" hoặc "kim loại quý". Riêng tại Đà Nẵng, từ năm 2023 đến tháng 10/2024, có 6 văn phòng vận hành dưới vỏ bọc này.
Nam phân công Ngọ phụ trách quản lý chung hoạt động, còn việc điều hành trực tiếp tại các địa phương được giao cho cấp dưới như Trịnh Văn Thái và Phùng Văn Quyết. Tại Đà Nẵng, cả hai điều hành một văn phòng nằm trong tòa nhà chợ siêu thị Nguyễn Kim, tổ chức các chiến dịch mời gọi đầu tư vào sàn Soho Markets.
Lợi nhuận "bánh vẽ" và cú sập tài khoản
Nạn nhân điển hình trong vụ án là anh N.T.K., trú tỉnh Đắk Lắk. Được các "chuyên viên tư vấn" gọi điện liên tục, gửi tài liệu đầu tư chuyên nghiệp, hình ảnh chuyên gia quốc tế, anh K. tin rằng đây là cơ hội làm giàu nhanh chóng. Từ tháng 9 đến 11/2023, anh nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản do nhóm của Quyết điều phối, tổng cộng hơn 5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi thấy lãi hiện trên hệ thống nhưng không thể rút, anh K. mới phát hiện mình bị lừa. Quyết và đồng phạm đã tác động bộ phận kỹ thuật, khóa các chức năng rút tiền, đồng thời thuyết phục anh tiếp tục nạp tiền để "giải cứu tài khoản".

Quyết nhận mức án 8 năm tù giam.
Kịch bản này được áp dụng hàng loạt tại các văn phòng ở khắp nơi. Khi người bị hại chuyển tiền vào, các khoản "phí phát sinh", "phí qua đêm", "phí bảo hiểm tài khoản" liên tục được đưa ra khiến nhiều người mất sạch vốn.
Cơ quan điều tra xác định để tránh bị phát hiện, các đối tượng quản lý và nhóm "chuyên gia" không cư trú tại Việt Nam mà hoạt động từ Campuchia, Thái Lan và Dubai. Họ liên hệ qua Zalo, Telegram đăng ký bằng số điện thoại không chính chủ, tạo nên hệ thống khép kín khó truy vết.
Tiền nạp của nhà đầu tư được chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng đứng tên công ty "ma", sau đó rút hoặc luân chuyển lòng vòng ra nước ngoài.
Tại phiên tòa, Phùng Văn Quyết thừa nhận hành vi lừa đảo, nhưng cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, với vai trò quản lý trực tiếp một văn phòng tại Đà Nẵng, có tổ chức nhân sự, phân công công việc và can thiệp kỹ thuật để chiếm đoạt tiền của bị hại, HĐXX xác định Quyết phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập.
Các đồng phạm như: Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ và Trịnh Văn Thái đã bị khởi tố và đang trong quá trình điều tra mở rộng vụ án. Cơ quan công an cũng đang truy tìm các đối tượng còn lại và những người liên quan tại nước ngoài.