Một số bất cập trong tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng học bạ

28/03/2024 00:15

Nhiều trường đại học công bố tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng phương thức xét học bạ đã nhận về những ý kiến trái chiều.

Xét tuyển ngành sức khỏe bằng học bạ

Trong khi, các trường chuyên đào tạo về y học như Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đều tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi THPT... Mới đây, nhiều trường đại học thông báo tuyển sinh đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ, đối với các ngành thuộc khối sức khỏe. 

Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh dự kiến dành 50% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ trong năm 2024.

Với phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên.

Với phương thức xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên).

Riêng với nhóm ngành Khoa học sức khỏe, điều kiện xét tuyển học bạ áp dụng theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Giáo dục - Một số bất cập trong tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng học bạ

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại  thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Trường đại học Nguyễn Tất Thành cũng xét tuyển bằng học bạ với 7 ngành đào tạo đại học thuộc lĩnh vực sức khỏe bao gồm: Y khoa, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm Y học, Quản lý bệnh viện, Y học dự phòng, Kỹ thuật Phục hồi chức năng.

Trường ĐH Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành Dược học theo phương thức xét tuyển học bạ, ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 24 (tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển) và có học lực năm lớp 12 xếp loại Giỏi.

Ngoài ra, nhiều trường khác cũng tuyển sinh khối sinh khối ngành sức khỏe bằng phương thức xét tuyển học bạ như: Trường đại học Đà Nẵng, Trường đại học Duy Tân, Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Hồng Bàng…

Cần hết sức thận trọng

Điều khiến nhiều người lo ngại, chính là việc tuyển sinh bằng học bạ cho khối ngành đặc thù như sức khỏe, có thể sẽ ảnh hướng đến chất lượng đào tạo, nghiệp vụ chuyên môn sau này.

Chia sẻ với PV, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Đối với tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng phương thức xét tuyển học bạ, đã được Bộ GD-ĐT công nhận là một trong những phương thức tuyển sinh đại học năm học 2024-2025.

"Tôi nghĩ các trường dành số chỉ tiêu dành cho xét học bạ cũng phải đáp ứng đúng quy định, đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà Bộ GD-ĐT đưa ra, như học lực học bạ phải khá, giỏi trở lên là hợp lý", ông Anh Tuấn nói.

Cũng theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, sở dĩ khối ngành sức khỏe được nhiều thí sinh chọn là vì từ trước đến nay, ngành y luôn được mặc định dành cho những học sinh có học lực giỏi trở lên, ra trường có việc làm ổn định, con đường phát triển sự nghiệp thuận lợi…

“Tuy nhiên cần lưu ý, sẽ có hiện tượng một số ít trường hợp thí sinh “làm đẹp học bạ”, trong khi kết quả học tập thực tế lại không "đẹp" như vậy.

Tôi cho rằng các trường cần hết sức thận trọng trong tuyển sinh cho khối ngành sức khỏe, bởi liên quan sức khỏe, tính mạng con người sau này. Đặc thù ngành y đòi hỏi phải đào tạo những người vừa giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vừa có y đức. Nếu tuyển sinh dễ dãi, đào tạo kém chất lượng sẽ gây hậu quả khó lường sau này, ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai đất nước”.

Giáo dục - Một số bất cập trong tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng học bạ (Hình 2).

Các chuyên gia cho rằng tuyển sinh khối ngành sức khỏe cần thận trọng, kỹ lưỡng.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng phương thức tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng phương thức xét học bạ.

Theo ông, hiện nay tại Việt Nam, tỉ lệ bác sĩ trên dân số là 12/10000, một con số tương đối thấp so với các nước phát triển. Do đó, việc gia tăng số lượng bác sĩ trên tỉ lệ dân số là điều khá hợp tình hợp lý.

Ở hầu hết các nước, việc tuyển sinh và đào tạo bác sĩ luôn là một trong những thử thách rất khó. Sinh viên muốn đỗ vào trường y phải có số điểm top đầu.

Điển hình ở Hàn Quốc thì chỉ 1-2% học sinh có điểm cao nhất khi tốt nghiệp phổ thông mới được xét vào ngành y. Họ cũng phải trải qua thêm kỳ thi tuyển sinh cực kỳ căng thẳng.

“Không chỉ vượt qua kỳ thi khốc liệt, mà sinh viên ngành y sau khi đỗ vào trường cũng phải chăm chỉ học tập rất vất vả, đồng thời trải qua nhiều năm rèn luyện, trung bình khoảng 10-14 năm để trở thành bác sĩ chuyên khoa.

Do đó, việc nhiều trường tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng việc xét học bạ, mà không cần trải qua bất kỳ kỳ thi nào để lựa chọn những học sinh ưu tú là việc cần phải xem xét rất kỹ lưỡng.

Bởi khối ngành sức khỏe, đặc biệt là bác sĩ, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người thì rất cần tuyển chọn những người giỏi”, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ thêm.

Nguyễn Lành

Bạn đang đọc bài viết "Một số bất cập trong tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng học bạ" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).