Quản lý đường thở là yếu tố sống còn trong gây mê hồi sức

13/04/2024 16:30

Theo WHO, trong năm 2022 tỉ lệ các bệnh có đường thở khó trong gây mê chiếm tới 18%. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ gây mê hồi sức.

Lần đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên toàn Đông Nam Á, “Hội nghị Quản lý đường thở WAAM 2024” được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức trong 2 ngày 13 và 14/4/2024. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị ngày 13/4, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, quản lý đường thở là yếu tố sống còn trong gây mê hồi sức.

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2022 tỉ lệ các bệnh có đường thở khó trong gây mê chiếm tới 18%. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ gây mê hồi sức trong quản lý đường thở cho bệnh nhân. Đây cũng là vấn đề được Bộ Y tế rất quan tâm trong nhiều năm vừa qua. Lần đầu tiên, Hội nghị Quản lý đường thở WAAM được tổ chức tại Đông Nam Á và Việt Nam.

"Đây là hội nghị khoa học quan trọng và có ý nghĩa tích cực đối với ngành Y tế Việt Nam, với sự tham gia của các đơn vị tổ chức y tế trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các y bác sĩ, các chuyên gia về gây mê hồi sức của Việt Nam được trao đổi chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới về quản lý đường thở. Từ đó, nâng cao kiến thức và tay nghề để nâng cao và tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân", GS Thuấn nhấn mạnh.

Sức khỏe - Quản lý đường thở là yếu tố sống còn trong gây mê hồi sức

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị diễn ra với phần tham luận của 15 chuyên gia bác sĩ hàng đầu thế giới về gây mê hồi sức. Nội dung các bài báo cáo đề cập đến các trường hợp cụ thể của đường thở khó như biến dạng hàm mặt, u thanh quản, bệnh lý nền….và cách xử lý hiệu quả nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tử vong.

Theo các chuyên gia, biến chứng lớn nhất trong quá trình gây mê chính là vấn đề không quản lý được đường thở. Việc không quản lý được đường thở có thể làm cho bệnh nhân tử vong ngay hoặc tổn thương không hồi phục của hệ thần kinh trung ương.

Với những ca bệnh bình thường, đặt nội khí quản trong quá trình gây mê là thao tác thường quy. Nhưng đối với những bệnh nhân có đường thở phức tạp, biến dạng, trong tình trạng cấp cứu, thì nguy cơ xảy ra biến chứng rất cao nếu bác sĩ không có phân loại đúng và phương án xử lý kịp thời.

Giáo sư Anil Patel - Đại diện Liên minh Thế giới về Quản lý đường thở (WAAM) cho biết: "Có 2 loại đường thở khó: đường thở khó định trước và đường thở khó không định trước. "Đường thở khó định trước" được xác định trong quá trình khám mê, đánh giá tiếp cận đường thở, dựa trên các dấu hiệu tiên lượng.

Trong khi đó, “Đường thở khó không định trước” là những bệnh nhân nằm ngoài những yếu tố tiên lượng, và chỉ được xác định trong quá trình gây mê. Việc phổ biến các kiến thức phân loại, phối hợp cả ekip theo kế hoạch và xử trí với từng bệnh nhân có định trước hoặc không định trước chính là "chìa khóa" then chốt đảm bảo an toàn thông khí cho mọi ca bệnh".

Sức khỏe - Quản lý đường thở là yếu tố sống còn trong gây mê hồi sức (Hình 2).

Quang cảnh Hội nghị.

Với yêu cầu trang bị cho các bác sĩ kỹ năng tiên lượng khó khăn trong kiểm soát đường thở cũng như khả năng triển khai chiến lược gây mê phù hợp với từng thể trạng bệnh, “quy trình quản lý các đường thở khó” đã được tổ chức Liên minh thế giới về quản lý đường thở WAAM xây dựng.

Hội nghị chỉ rõ vai trò của chiến lược DAS trong các ca bệnh có đường thở khó, cách ứng dụng chiến lược DAS trong từng trường hợp bệnh lý giúp hạn chế tối đa biến chứng trong gây mê.

Tuy nhiên, cũng chỉ ra những khó khăn còn tồn tại chủ yếu do sự thiếu đồng bộ và thiếu cơ hội ứng dụng thực tiễn trong quy trình gây mê ở nhiều bệnh viện. Để có thể áp dụng quy trình này, đòi hỏi sự hiểu biết của từng cá nhân trong ekip gây mê về quản lý, cũng như sự đồng lòng, đồng nhất trong quy trình xử lý. 

Ths. BS Nguyễn Thị Thu Ba - trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết, việc ứng dụng chiến lược DAS trong cấp cứu và gây mê chủ động giúp giảm biến chứng trong quản lý đường thở, gia tăng tỉ lệ thành công cho nhiều ca cấp cứu và phẫu thuật.

"Để có áp dụng được quy trình này, tất cả các thành viên trong ekip gây mê đều được đào tạo để hiểu và có tư duy đồng bộ, luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong mọi trường hợp", BS.Ba nói. 

Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, tại hội nghị, các khách mời được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, hiệu quản dự trữ oxy, rút ống nội khí quản khó, đường thở khó ở trẻ em...

Bạn đang đọc bài viết "Quản lý đường thở là yếu tố sống còn trong gây mê hồi sức" tại chuyên mục Y tế - Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).