6 tháng đầu năm, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới
Theo Cục Thống kê, trong tháng 6, cả nước có hơn 24,4 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 176,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 137,2 nghìn lao động, tăng 61,4% về số DN, tăng 12,8% về số vốn đăng ký và tăng 39,8% về số lao động so với tháng 5/2025. So với cùng kỳ năm trước, tăng 60,5% về số DN, tăng 21,2% về số vốn đăng ký và tăng 49,9% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 30,1% so với tháng trước và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 14,4 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 79,5% so với tháng trước và tăng 91,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 91,2 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 820,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 591,1 nghìn lao động, tăng 11,8% về số doanh nghiệp, tăng 9,9% về số vốn đăng ký và tăng 13,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 9,0 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2025 là hơn 2.778,0 nghìn tỷ đồng, tăng 89,0% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 61,5 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên hơn 152,7 nghìn DN, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân 1 tháng có gần 25,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong tháng 6, có 6.433 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2024; Gần 10,1 nghìn DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 54,0% và tăng 86,2%; Có 2.761 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 44,6% và tăng 59,6%.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 80,8 nghìn DN, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; Hơn 34,0 nghìn DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 18,3%; Hơn 12,3 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3%. Bình quân một tháng có gần 21,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Tình hình sản xuất kinh doanh nhiều khởi sắc trong quý III
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2025 cho thấy 35,7% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2025; 43,0% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III/2025, có 37,3% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2025; 43,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 19,2% số DN dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lạc quan nhất với 81,0% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2025 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2025; Tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài Nhà nước và khu vực DN Nhà nước lần lượt là 80,7% và 79,8%.
Về đơn đặt hàng, có 33,2% số DN có số lượng đơn đặt hàng mới quý II/2025 cao hơn quý I/2025; 45,2% số DN có số đơn đặt hàng mới ổn định và 21,6% số DN có đơn hàng giảm. Xu hướng quý III/2025 so với quý II/2025, có 35,1% số DN dự kiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; 46,7% số DN dự kiến số lượng ổn định và 18,2% số DN dự kiến giảm.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025 theo giá hiện hành ước đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% cùng kỳ 6 tháng năm 2024, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 tiếp tục xu hướng tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất 6 tháng đầu năm của các năm từ 2021 đến nay.
Vốn đăng ký cấp mới có 1.988 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 9,29 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 9,6% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,06 tỷ USD, chiếm 54,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,25 tỷ USD, chiếm 24,2%; các ngành còn lại đạt 1,99 tỷ USD, chiếm 21,4%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,56 tỷ USD, chiếm 81,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 932,2 triệu USD, chiếm 8,0%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 444,7 triệu USD, chiếm 3,8%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2025 có 86 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 357,7 triệu USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; Có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 129,4 triệu USD, gấp 7 lần.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.