Sỏi tiết niệu hiểm hoạ thầm lặng có thể gây suy thận và tử vong

09/05/2025 16:16

Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến, có thể gây đau đớn dữ dội và dẫn đến suy thận, thậm chí tử vong nếu không được xử trí sớm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan với các dấu hiệu ban đầu như đau lưng, tiểu buốt, tiểu ra máu…

Biến chứng nguy hiểm, hậu quả khôn lường từ sự chủ quan

Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA), "Sỏi tiết niệu" là các tinh thể rắn được hình thành do sự kết tủa và kết tinh của các chất hòa tan trong nước tiểu, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong hệ thống tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo). 

Nguyên nhân chủ yếu là do sự kết tụ và phát triển của các tinh thể khoáng chất trong nước tiểu, thường là canxi oxalate hoặc phosphate. Nếu không được phát hiện sớm, sỏi có thể gây ra đau đớn dữ dội, làm tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu, thậm chí dẫn đến tổn thương hoặc suy thận.

Trao đổi với phóng viên, TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết triệu chứng điển hình nhất của sỏi tiết niệu là cơn đau quặn thận. Cơn đau thường khởi phát đột ngột từ vùng thắt lưng, lan xuống hố chậu, bụng dưới hoặc cơ quan sinh dục, kèm theo cảm giác buồn nôn, vã mồ hôi. 

"Đây là dấu hiệu cho thấy sỏi đang di chuyển hoặc gây tắc nghẽn đường tiểu. Nếu không xử trí kịp, cơn đau có thể tái phát nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe cơ thể người bệnh", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Sỏi tiết niệu hiểm hoạ thầm lặng có thể gây suy thận và tử vong- Ảnh 1.

Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý các triệu chứng khác như tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục hoặc lẫn máu đặc biệt tiểu ít, vô niệu. Trường hợp sỏi gây nhiễm trùng, bệnh nhân có thể sốt cao, rét run, mệt mỏi kéo dài. 

Đáng lo ngại là một số sỏi nhỏ hoặc nằm yên trong đường tiết niệu không gây triệu chứng rõ ràng, được gọi là "sỏi im lặng". Những trường hợp này chỉ được phát hiện tình cờ khi siêu âm hoặc chụp CT kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bác sĩ Tuấn cảnh báo: "Sỏi tiết niệu không chỉ gây đau đớn mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu điều trị muộn". 

Một trong những biến chứng thường gặp là ứ nước thận - tình trạng tắc nghẽn khiến nước tiểu ứ đọng, làm giãn đài bể thận, thậm chí phá hủy chức năng thận vĩnh viễn.

Ngoài ra, sỏi tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng tiết niệu tái diễn, viêm bể thận cấp, thậm chí nhiễm trùng huyết. Về lâu dài, sỏi không được loại bỏ sẽ làm tổn thương nhu mô thận, dẫn đến suy thận mạn tính - buộc bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Đặc biệt, những cơn đau tái phát thường xuyên khiến người bệnh mất ngủ, căng thẳng, giảm hiệu suất lao động.

Các phương pháp điều trị tối ưu

TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn cho biết việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thước, vị trí sỏi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đang ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, ít xâm lấn, giúp rút ngắn thời gian hồi phục.

Điều trị nội khoa được chỉ định cho sỏi nhỏ dưới 7mm. Bệnh nhân được khuyến cáo uống nhiều nước (2.5-3 lít/ngày), kết hợp thuốc giãn cơ trơn và giảm đau để đào thải sỏi tự nhiên. 

Tuy nhiên bệnh nhân cần tái khám sau thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng, sỏi không tự đào thải được thì cần can thiệp phẫu thuật để xử lí sỏi, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận và tình trạng sức khỏe chung

Với sỏi lớn hơn, trước đây tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL) từng là lựa chọn phổ biến nhờ ưu điểm không xâm lấn. 

Sỏi tiết niệu hiểm hoạ thầm lặng có thể gây suy thận và tử vong- Ảnh 2.

Tuy nhiên, phương pháp này có một số nhược điểm như thường chỉ áp dụng cho sỏi nhỏ trên thận hoặc niệu quản đoạn trên, có thể gây tổn thương mô xung quanh, tỷ lệ sạch sỏi sau 1 lần tán còn thấp nên có trường hợp phải tán nhiều lần, đặc biệt trường hơp viên sỏi cứng hoặc người bệnh có thể trạng béo. 

Thay vào đó, nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser được ưu tiên cho sỏi niệu quản 1/3 dưới, 1/3 giữa hoặc bàng quang hoặc sử dụng ống nội soi mềm đưa qua đường niệu đạo (với sỏi niệu quản 1/3 trên hoặc sỏi thận <2cm) với ưu điểm vượt trội hoàn toàn giúp tán vụn sỏi mà không cần rạch da, đồng thời hạn chế những tai biến mà phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể mang lại.

Đối với sỏi thận lớn (>2cm) hoặc sỏi san hô, tán sỏi qua da (PCNL) là giải pháp tối ưu. Bác sĩ tạo một hay nhiều đường hầm nhỏ từ da vùng thắt lưng vào thận để tiếp cận trực tiếp sỏi, tán sỏi và hút các mảnh sỏi ra ngoài. 

Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với sỏi cứng, sỏi kích thước lớn, với ưu điểm ít gây đau, ít xâm lấn, đường rạch da rất bé (<1cm) và rút ngắn thời gian nằm viện.

Trong trường hợp phức tạp như sỏi tái phát nhiều lần gây nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc dị tật đường tiết niệu, phẫu thuật mở vẫn là phương án cuối cùng. Dù vậy, nhờ sự phát triển của y học hiện đại, tỷ lệ phải phẫu thuật mở đã giảm đáng kể. 

"Phòng bệnh luôn dễ dàng và ít tốn kém hơn chữa bệnh", TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh. 

Để giảm nguy cơ hình thành sỏi, TS. Tuấn khuyên người dân nên uống đủ nước (2–2.5 lít/ngày), tăng cường bổ sung nước ép cam, chanh giàu citrate giúp ức chế kết tinh sỏi.

Trẻ em cũng có thể mắc sỏi tiết niệuNhững dấu hiệu "cảnh báo" bạn bị sỏi tiết niệu, cần phải đi khám ngay

Hạn chế muối, đạm động vật và thực phẩm giàu oxalat như rau bina, trà đặc, socola; Tránh nhịn tiểu để giảm nguy cơ ứ đọng cặn khoáng trong đường tiết niệu.

Tập thể dục đều đặn và khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với người có tiền sử sỏi hoặc rối loạn chuyển hóa.

"Sỏi tiết niệu hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Đừng chủ quan với những cơn đau lưng hay rối loạn tiểu tiện. Hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa ngay khi có dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, uống đủ nước mỗi ngày chính là 'vắc-xin' đơn giản nhất để phòng tránh căn bệnh này", TS. Tuấn nói.

Bạn đang đọc bài viết "Sỏi tiết niệu hiểm hoạ thầm lặng có thể gây suy thận và tử vong" tại chuyên mục Y tế - Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).