Thiếu giáo viên mầm non do thu nhập không hấp dẫn

04/04/2024 21:00

Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế mà Bộ GD&ĐT chỉ ra trong quá trình triển khai Chương trình Giáo dục mầm non trong 10 năm qua.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo tóm tắt đổi mới, phát triển giáo dục mầm non (GDMN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nâng cao tỉ lệ trẻ em đến trường

Khái quát kết quả phát triển giáo dục mầm non 10 năm qua, Bộ GD&ĐT cho biết quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao tỉ lệ trẻ em đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Hiện nay toàn quốc, có gần 15.500 trường mầm non ở các loại hình và gần 16.000 cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,1%; toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình GDMN được quy chuẩn và quan tâm đầu tư. Tỉ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 87,3%.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng nhận thấy bên cạnh các thành tựu, GDMN hiện còn các hạn chế, tồn tại.

Theo đó, Chương trình GDMN đã được thực hiện ở 100% cơ sở GDMN trong toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ em mầm non.

Nhưng thực tiễn cho thấy vẫn còn những khó khăn bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ chưa đồng đều, đặc biệt ở đối tượng trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc nhóm có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em sống ở vùng khó khăn, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số có một số lĩnh vực chỉ số phát triển của trẻ còn khá thấp.

Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, yêu cầu về chương trình giáo dục mầm non tại Luật Giáo dục, chưa liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế. Tỉ lệ huy động: trẻ nhà trẻ mới đạt 32,1%  trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi mới đạt 93,1%

Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ; hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

Hiện nay tính riêng bậc học mầm non, toàn quốc còn khoảng trên 5000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi.

Bộ GD&ĐT đánh giá tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định ở các cơ sở GDMN ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khá phổ biến. Tỉ lệ nhóm/lớp mầm non đáp ứng đủ thiết bị dạy học ở vùng khó khăn chỉ đạt 48%, các hạng mục hỗ trợ như phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật, phòng đa chức năng, thư viện còn nhiều nơi không có.

Nguồn lực đầu tư cho GDMN còn hạn chế. Tình trạng thiếu GVMN kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết (hiện nay toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 GVMN); trong bối cảnh thiếu GVMN nhưng các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là GVMN.

Bộ GD&ĐT cho biết có tình trạng GVMN bỏ việc và nghề GVMN càng ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập của GVMN đang thấp nhất trong các bậc học, trong khi GVMN chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9-12 giờ mỗi ngày).

Kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN rất hạn chế (chưa có bất kỳ đề án, dự án nào có đủ kinh phí để xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ CBQL, GVMN).

Giáo dục - Thiếu giáo viên mầm non do thu nhập không hấp dẫn

Giáo viên mầm non là nghề vất vả nhưng chưa được đãi ngộ tương xứng.

Khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn. Vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN. Chính sách đầu tư của Nhà nước cho GDMN công lập và ngoài công lập vẫn còn có điểm bất bình đẳng. GVMN làm việc trong điều kiện áp lực lớn nhất trong đội ngũ nhà giáo song lại có thu nhập ở mức thấp nhất.

Nguyên nhân của hạn chế được Bộ GD&ĐT chỉ ra là do xuất phát điểm của GDMN khá thấp so với các bậc học khác. Một thời kỳ dài, đất nước ở trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, GDMN chưa thuộc đối tượng được ưu tiên, được xem xét đầu tư đúng mức.

Chính sách cho GDMN chưa phù hợp với thực tiễn

Nguyên nhân quan trọng nữa là cơ chế, chính sách thay đổi chậm, chưa tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Các chính sách hiện hành cho GDMN còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù của các vùng/miền.

Nhiều địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, nhiều nhà đầu tư muốn sử dụng đất ở để xây dựng cơ sở GDMN ngoài công lập song vướng quy định phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất; việc thực hiện các văn bản về công tác xã hội hóa giáo dục còn thiếu đồng bộ, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về trình tự, thủ tục khi có nhu cầu đầu tư.

Cơ chế, chính sách về đầu tư công, đối tác công tư, xã hội hóa chưa tạo sự cạnh tranh công bằng giữa GDMN công lập và ngoài công lập nên chưa đủ sức thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển GDMN.

Quy định về dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục chưa phù hợp đối với phát triển GDMN. Cơ chế, chính sách khuyến khích tự chủ ở các cơ sở GDMN công lập chưa phù hợp với thực tiễn.

Chính sách phát triển đội ngũ còn nhiều bất cập, gây nên tình trạng thiếu giáo viên kéo dài. Chính sách khuyến khích của Chính phủ chưa đủ mạnh để thu hút nguồn học sinh tốt nghiệp THPT thi vào ngành sư phạm mầm non; Chính sách tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GVMN trong các cơ sở GDMN công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thực trạng phát triển GDMN hiện nay chưa tương xứng với vị trí, vai trò của bậc học GDMN, bậc học đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người, có đối tượng giáo dục là trẻ thơ cần được giáo dục nhất và yêu cầu về chất lượng giáo dục cao nhất.

Với tư tưởng phải dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước, GDMN cần có được những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, cần thay đổi quan điểm đầu tư để có chương trình giáo dục tốt, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ GVMN, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng.

Bạn đang đọc bài viết "Thiếu giáo viên mầm non do thu nhập không hấp dẫn" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).