
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ cần rà soát, phân cấp, phân quyền hơn nữa cho địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về: Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí; về tình hình triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để chuẩn bị tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, cùng với phân cấp, phân quyền cho địa phương, các cơ quan ở Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng chiến lược, kế hoạch; thể chế, pháp luật; cơ chế, chính sách phát triển, huy động nguồn lực...) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về tình hình triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp cho biết, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được xác định là 2 luật gốc của nền hành chính), trong đó quy định rõ nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Đồng thời, Luật đã giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật với tính chất ủy quyền lập pháp, để giải quyết những vấn đề ưu tiên, cấp bách trong thực hiện phân cấp, phân quyền.
Cũng tại kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 luật, 11 nghị quyết; và Chính phủ cũng ban hành theo thẩm quyền 124 nghị định, 52 nghị quyết, trong đó thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu, định hướng và nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền (một số lĩnh vực thực hiện phân cấp, phân quyền liên tục, triệt để, nổi bật như: Đầu tư, thu hút đầu tư; đổi mới thủ tục, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức, biên chế; công chức, viên chức…).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hiện Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện để trình Quốc hội 34 dự thảo luật, 11 nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định hoặc ban hành theo thẩm quyền để thực hiện phân cấp, phân quyền và triển khai tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục khẩn trương rà soát trong lĩnh vực quản lý để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý cần tập trung rà soát các nội dung phân cấp, phân quyền liên quan ngân sách, thẩm quyền về cán bộ, nhân sự, đất đai, tài nguyên, tài sản, thủ tục hành chính, quyết định đầu tư, xử lý các vấn đề phát sinh mà chưa có quy định và các nội dung khác có thể phân cấp, phân quyền.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dự và phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ dự và phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, cùng với phân cấp, phân quyền cho địa phương, các cơ quan ở Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng chiến lược, kế hoạch; thể chế, pháp luật; cơ chế, chính sách phát triển, huy động nguồn lực; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát; tổng kết, khen thưởng, kỷ luật).
Cho ý kiến về các nội dung cụ thể trong các dự án luật, đề nghị xây dựng luật để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật cần quán triệt sâu sắc, kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ để triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng.

Thủ tướng lưu ý, trong thiết kế các chính sách, quy định cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hồ sơ các dự án luật, đề nghị xây dựng luật cần làm rõ những nội dung lược bỏ, những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, những nội dung bổ sung, những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, những nội dung phân cấp, phân quyền, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Thủ tướng lưu ý, trong thiết kế các chính sách, quy định cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, phải đảm bảo 6 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm" trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện pháp luật.
Hà Văn