Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tham vấn về dự án Kênh Funan - Techo

23/04/2024 16:30

Ngày 23/4, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức Hội nghị tham vấn về dự án Kênh Funan - Techo của Campuchia và thực hiện thủ tục tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.

Chú thích ảnh Quang cảnh Hội nghị. 

Hội nghị nhằm thảo luận, ghi nhận các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học về đề xuất dự án Kênh giao Funan - Techo nối sông Bassac ra cảng Kep của Campuchia; nội dung đánh giá tác động của Dự án do Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tiến hành, các lĩnh vực tác động mà Việt Nam quan tâm, các yêu cầu về kết quả đánh giá tác động và các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động của dự án.

Dự án kênh Funan - Techo dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180 km tuyến kênh, sông, bao gồm: đoạn thứ nhất với chiều dài khoảng 20km nối sông Mê Công với sông Bassac; đoạn thứ hai dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kep chiều dài khoảng 30km và đoạn thứ ba dài 130km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam - Campuchia) với cảng Kep của Campuchia.

Các đoạn kênh này được thiết kế với kích thước đủ lớn để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua. Dự án sẽ xây dựng 3 cống âu thuyền để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135m, rộng 18m, sâu 5,8m. Bên cạnh các hạng mục công trình trên, dự án cũng xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Dự án có tổng kinh phí ước tính 1,7 tỷ USD, gồm ba đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên; dự kiến do Công ty Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao. Theo kế hoạch, kênh đào được khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027, với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.

Theo Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, trong khuôn khổ thực hiện Thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) đối với các đề xuất sử dụng nước trên lưu vực sông Mê Công, Campuchia đã gửi thông báo chính thức tới Ủy hội sông Mê Kông quốc tế về kế hoạch xây dựng kênh đào Funan - Techo nối sông Bassac (về Việt Nam gọi là sông Hậu) ra biển Tây của Campuchia.

Mặc dù dự án thuộc diện “thông báo” nhưng do kênh đào sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông Bassac là phân lưu chính của sông Mê Kông nên đã gây ra nhiều mối quan ngại của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà khoa học về tác động xuyên biên giới của dự án này.

Các đại biểu tại cuộc họp tham vấn đã nên nhiều quan ngại về dự án, bao gồm các tác động của Dự án đến tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong bối cảnh hạn mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Việc kênh Funan - Techo sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mê Công ra cảng Kep nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm đáng kể tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.

Chú thích ảnh PGS.TS Lê Anh Tuấn, cố vấn Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ thông tin kết quả nghiên cứu về tác động của kênh Funan - Techo với Đồng bằng sông sông Cửu Long.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, cố vấn Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ nhận định, khi kênh Funan - Techo hình thành sẽ có tác động tiêu cực tới Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào quy mô và mục đích của phía hình thành và xây dựng kênh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, điều đáng quan tâm là đoạn kênh đầu tiên nối sông Mê Kông (sông Tiền) vào sông Hậu, sau đó tiếp tục đào về phía vịnh Thái Lan. Nước bạn đưa ra lý do để phát triển giao thông vận tải nhưng lại có khả năng sử dụng lượng lớn nước để phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Trong cấu trúc nước sông Mê Kông, sông Tiền chiếm 90% trong khi sông Hậu chỉ chiếm 10%. Do sông Hậu không đủ nước nên dự án mới có đoạn nối với sông Tiền.

Điều này sẽ dẫn đến việc phân phối lại nguồn nước từ hai con sông trên trước khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Tùy theo lượng nước chảy vào sông Hậu, khi vào tỉnh An Giang sẽ xảy ra hiện tượng sạt lở đất từ thành phố Châu Đốc đến huyện Châu Phú (nơi hợp lưu với sông Vàm Nao) do đoạn sông nhỏ và chỉ rộng vài trăm mét. Khi đó, vai trò điều tiết nước của sông Vàm Nao (nối sông Tiền và sông Hậu) sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến môi trường và hệ sinh thái.

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, kênh Funan - Techo khi vận hành, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn.

Tại cuộc họp, ý kiến các đại biểu, chuyên gia cho rằng theo thông tin chính thức do phía Campuchia thông báo là kênh đào Funan - Techo chỉ phục vụ mục đích giao thông thủy, tuy nhiên theo các thông tin của báo chí Campuchia thì kênh đào còn phục vụ nông nghiệp và phát triển vùng Tây Nam của quốc gia này. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có đủ thông tin về vận hành của 3 cống âu thuyền nằm trong dự án. Các đại biểu, chuyên gia mong muốn Campuchia sớm chia sẻ các thông tin chi tiết về mục tiêu, thiết kế, vận hành của dự án cũng như sớm cung cấp các thông tin, tham gia nghiên cứu chung về tác động của dự án và thống nhất các giải pháp giảm thiểu, giám sát tác động phù hợp.

Chú thích ảnh Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế trong việc tiến hành nghiên cứu độc lập tác động của dự án; đồng thời ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp tham vấn và sẽ chuyển tải các ý kiến đến Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cũng như phía Campuchia.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Linh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Campuchia và các quốc gia thành viên Ủy hội để thúc đẩy tiến độ thực hiện nghiên cứu về tác động của Dự án, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động và tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn tại quốc gia.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40.000 km2, là nơi sinh sống của hơn 17,4 triệu người. Khu vực này được xem là vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước khi chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thủy sản nuôi trồng và đóng góp 17% GDP của Việt Nam.

Những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng vào các năm 2015-2016, 2019-2024 và hiện tại là 2023-2024 khi El Nino hoạt động mạnh. Các dự báo về biến đổi khí hậu cũng cho thấy thời tiết sẽ ngày càng trở nên cực đoan hơn, dẫn đến tăng tần suất hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... ở khu vực này.

Bạn đang đọc bài viết "Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tham vấn về dự án Kênh Funan - Techo" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).