Vụ sản xuất thuốc giả ở Thanh Hóa: Bất ngờ với thành phần của thuốc

18/04/2025 13:00

Kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu phát hiện nhóm thuốc đông dược giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong đông y.

Theo Người lao động, sáng 18/4, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết liên quan tới vụ đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô toàn quốc, đơn vị này đã có kết quả phân tích, xét nghiệm mẫu thuốc giả thuộc nhóm thuốc đông dược, qua đó phát hiện trong thành phần thuốc có lượng lớn thuốc giảm đau.

Theo đó, kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu phát hiện nhóm thuốc đông dược giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong đông y.

Vụ sản xuất thuốc giả ở Thanh Hóa: Bất ngờ với thành phần của thuốc- Ảnh 1.

Thông tin thêm trên tờ , nhóm thuốc tây y giả chưa phát hiện dược tính độc hại nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.

Cũng theo thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả không có trình độ chuyên môn về sản xuất thuốc. Các đối tượng chủ yếu mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.

Trước đó, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát kinh tế công an tỉnh đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.

Theo kết quả điều tra ban đầu, lợi dụng thói quen của người dân thường mua thuốc không cần kê đơn, đặc biệt là người già, nhóm đối tượng do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu đã câu kết với nhóm đối tượng của Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) để sản xuất và buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

Nhóm đối tượng đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược. Sau đó, chúng đặt mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm thuốc giả sau đó bán ra thị trường qua các kênh phân phối.

Vụ sản xuất thuốc giả ở Thanh Hóa: Bất ngờ với thành phần của thuốc- Ảnh 2.

Nhóm đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng. Một trong những phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội mới mà các đối tượng sử dụng, đó là đối với các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp, các đối tượng không làm giả các sản phẩm có sẵn đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước mà tự đặt ra những tên thuốc cũng như tên Công ty có trụ sở ở nước ngoài, chủ yếu là tại Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Singapore… nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Về thủ đoạn sản xuất, các đối tượng đã thuê kho làm địa điểm sản xuất tại những khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt nằm sâu trong hẻm trên địa bàn TP.Long Xuyên, An Giang, TP.HCM và TP.Hà Nội, sau đó thuê công nhân sản xuất là anh em người nhà hoặc người quen tại các địa phương khác. Quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng sản xuất, không có giao tiếp với dân cư xung quanh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình quản lý, kiểm tra và thu thập thông tin, tài liệu.

Về thủ đoạn hoạt động buôn bán các loại thuốc giả ra thị trường, các đối tượng tham gia đường dây có sự móc nối, cấu kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến khâu tìm kiếm kênh phân phối để đưa hàng giả ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Dưới vỏ bọc là nhân viên dược sỹ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của các công ty chính hãng "tuồn" ra từ nguồn hàng thầu hoặc bán chạy doanh số trái khu vực không xuất được hóa đơn nên giao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng.

Đối với các loại "giả mạo" nguồn gốc nước ngoài thì các đối tượng giới thiệu đây là hàng "xách tay" nên không có hoá đơn chứng từ kèm theo để lấy lòng tin của người mua hàng. Giai đoạn để tạo dựng lòng tin các đối tượng thường mua thuốc thật trà trộn vào nguồn thuốc giả do các đối tượng sản xuất bán ra thị trường để đối phó với sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Sau đó, khi đã có lượng khách hàng nhất định, các đối tượng chỉ bán những loại thuốc giả tự sản xuất, đa phần khách hàng hướng tới nhóm dược sỹ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc.

TIN LIÊN QUANPhó Giám đốc Công an Thanh Hóa thông tin điều tra vụ phá rừng ở Bá ThướcPhó Giám đốc Công an Thanh Hóa thông tin điều tra vụ phá rừng ở Bá Thước

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.

Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.

Hải Vân (T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Vụ sản xuất thuốc giả ở Thanh Hóa: Bất ngờ với thành phần của thuốc" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).