
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, tính đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 2,85% so với cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết, dù tăng trưởng tín dụng bất động sản qua từng tháng chưa ổn định, song vẫn tăng trưởng dương và tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn. So với mức tăng tín dụng chung trên địa bàn thành phố là 2,62% trong 4 tháng, thì cho vay bất động sản vẫn ghi nhận tích cực hơn.
Theo ông Lệnh, quy mô tín dụng bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì và chiếm tỷ trọng khoảng 28% so với tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, tín dụng đối với nhóm tự sử dụng (vay mua nhà để ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở; vay sửa chữa nhà…) vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản, chiếm 65% và đạt 727.000 tỷ đồng, tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm 2024.
Đáng chú ý, tín dụng nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng trưởng trở lại trong 2 tháng gần đây. Đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng nhà ở xã hội đạt 2.764 tỷ đồng, tăng 4,84% so với tháng trước. Trong khi đó, tháng 3/2025 chỉ tăng 1,7% và tháng 2/2025 giảm 2,55%.
Lý giải nguyên nhân khiến tín dụng bất động sản có xu hướng phục hồi, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho rằng, đó là nhờ chính sách lãi suất tốt, sản phẩm tín dụng nhà ở đa dạng và linh hoạt về kỳ hạn, về lãi suất. Đặc biệt, nhiều tổ chức tín dụng có sản phẩm phù hợp và gắn liền với thu nhập của người vay theo nguyên tắc đảm bảo cuộc sống và an cư lạc nghiệp của người lao động như: gói cho vay nhà ở xã hội; gói tín dụng cho vay nhà ở cho người dưới 35 tuổi và nhiều chương trình tín dụng hấp dẫn khác linh hoạt và hiệu quả.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng thương mại đã tung ra các gói tín dụng cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với mặt bằng chung từ 1-3 điểm %. Điều này cũng thúc đẩy nhu cầu mua nhà của người dân.
Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), khách hàng có thể vay mua nhà, đất, chung cư, xây/sửa chữa nhà đơn giản với số tiền lên đến 90% nhu cầu vốn. Đáng chú ý, thời hạn vay được kéo dài tới 50 năm, ân hạn gốc tối đa 5 năm và lãi suất chỉ từ 3,5%/năm. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng có chương trình cho vay mua nhà ở xã hội với mức trả góp chỉ từ 200.000 đồng/ngày, nhằm hỗ trợ người vay cân đối tài chính.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng triển khai chương trình cho vay bất động sản dành cho khách hàng cá nhân dưới 35 tuổi, là công chức, viên chức hoặc người lao động, với lãi suất cố định 5,5%/năm trong 3 năm đầu, hạn mức vay lên đến 75% nhu cầu vốn và thời hạn vay tối đa 40 năm.
Nhiều ngân hàng thương mại khác như Vietcombank, ACB, BIDV, VIB… cũng đáp áp dụng các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất chỉ từ 3,88% hoặc 3,99% trong giai đoạn đầu, hoặc lãi suất cố định 5,5% trong 2-3 năm đầu.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 nhận định, trong thời gian tới, các giải pháp cụ thể về tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản (về giấy tờ hồ sơ pháp lý và sở hữu nhà…), cùng với những gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại cho vay người trẻ dưới 35 tuổi sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho vay mua nhà. Việc tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả hoạt động tín dụng này cũng góp phần thúc đẩy hoạt tiêu dùng và thị trường bất động sản, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, ở góc độ khách hàng cá nhân, các chuyên gia khuyến nghị, người dân cần tính đến rủi ro từ lãi suất thả nổi sau thời gian ưu đãi. Hiện các ngân hàng đang tung ra các gói vay ưu đãi với nhiều cơ hội tiếp cận vốn, tuy nhiên thời gian ưu đãi lãi suất thường chỉ áp dụng 6 tháng đến 24 tháng và sau đó sẽ áp dụng lãi suất thả nổi.
Mức lãi suất này thường được tính dựa trên lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ từ 3,5%-5% và theo đó sẽ dao động từ 11-13%/năm. Với các khoản vay mua nhà thường kéo dài trên 20 năm, mức lãi suất thả nổi có thể gây áp lực tài chính lớn nếu người vay không tính toán kỹ.