ĐHĐCĐ 2024 Vincom Retail (VRE): Lãnh đạo khẳng định không đổi tên sau khi Vingroup thoái vốn, đặt mục tiêu lãi sau thuế đạt 4.420 tỷ đồng

24/04/2024 12:14

Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Vincom Retail (mã ck: VRE) vừa tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Đặt mục tiêu lãi sau thuế 2024 đạt 4.420 tỷ đồng

Năm 2023, Vincom Retail ghi nhận mức doanh thu kỷ lục từ khi thành lập, với tổng doanh thu đạt 9.791 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện, tăng từ 51,8% lên 54,7%.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng, nhích nhẹ 11 tỷ so với kết quả cao của năm 2023.

ĐHĐCĐ 2024 Vincom Retail (VRE): Lãnh đạo khẳng định không đổi tên sau khi Vingroup thoái vốn, đặt mục tiêu lãi sau thuế đạt 4.420 tỷ đồng - Ảnh 1

Trong các năm tới, Vincom Retail định hướng phát triển các trung tâm thương mại cỡ lớn - Vincom Mega Mall - nằm trong các đại dự án với lượng dân cư lớn.

Tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp này khai thác và vận hành hệ thống 83 trung tâm thương mại thương hiệu Vincom trên cả nước, hiện diện tại 44 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ 1,75 triệu m2. Năm 2024, công ty dự kiến khai trương thêm 6 trung tâm thương mại mới, nâng tổng số lên 89 trung tâm thương mại tại 48 tỉnh thành.

Biến động nhân sự cấp cao

Về công tác nhân sự, theo tài liệu họp, Vincom Retail sẽ tiến hành miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị là bà Thái Thị Thanh Hải và bà Lê Mai Lan; đồng thời bầu bổ sung ông Nguyễn Hoài Nam làm thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ 2023-2028.

Ông Nam sinh năm 1970, hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam - một chi nhánh của tập đoàn đa ngành Berjaya Corporation Berhad thuộc Malaysia. Doanh nhân này còn đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị các công ty Truyền thông và Đầu tư Nam Hương, Đầu tư Kinh doanh NP, Chứng khoán Sài Gòn Berjaya; đồng thời là Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công ty TNHH JVA Thành phố Hồ Chí Minh (Jeep Việt Nam).

Cổ đông Vincom Retail cũng thông qua miễn nhiệm 3 thành viên ban kiểm soát và bầu bổ sung 3 thành viên là ông Trần Xuân Hải, ông Hoàng Đức Hùng và ông Nguyễn Thành Trung.

Vincom Retail không đổi tên sau khi Vingroup thoái vốn

Đầu tháng 4, Vingroup thông báo chuyển nhượng 55% vốn điều lệ Công ty Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI sở hữu 99% vốn Công ty Kinh doanh Thương mại Sado - cổ đông lớn nắm 41,5% vốn của Vincom Retail (VRE). Sau giao dịch, Vincom Retail không còn là công ty con của Vingroup.

Trả lời câu hỏi "Công ty có ý định đổi tên, loại bỏ yếu tố 'Vin' trong tên gọi sau khi Vingroup thoái vốn hay không?", Tổng giám đốc Phạm Thị Thu Hiền - người vừa được bổ nhiệm lại vị trí CEO hôm 22/4 khẳng định "Vincom Retail đến hiện tại không có ý định đổi tên" bởi đối với người tiêu dùng Vincom là thương hiệu có giá trị cao.

Theo Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Mai Hoa, thương hiệu Vincom Retail không chỉ có giá trị mà còn là niềm tự hào, gắn với lịch sử 20 năm của chuỗi trung tâm thương mại đầu tiên.

Trước câu hỏi về mối quan hệ giữa Vincom Retail và Vingroup sau khi thoái vốn, đại diện VRE cho biết, trong các dự án đã đặt cọc với Vingroup, Vinhomes, các chính sách ưu đãi cho Vincom Retail vẫn được giữ nguyên.

"Vingroup sẽ tiếp tục song hành với Vincom Retail và chuỗi trung tâm thương mại Vincom vẫn song hành với hệ sinh thái Vingroup", Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Mai Hoa cho hay.

Xu hướng bán lẻ trong tương lai

Về xu hướng bán lẻ trong tương lai và Mô hình trung tâm thương mại nào có tiềm năng dòng tiền tốt, bà Mai Hoa tiết lộ: "Hơn 1 tuần trước chúng tôi có giám đốc phát triển của một nền tảng online đã đầu quân vào VRE, tức chuyển từ online sang offline.

Quả thực, việc ship hàng hiện nay và đội ngũ ship hàng tăng mạnh là cơ hội cho các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tiếp cận với việc giao hàng tốt hơn, nhưng khách lớn bán lẻ chuyên nghiệp có tỷ lệ tham gia doanh số của họ trên các nền tảng online không cao, chỉ khoảng 5%".

Mô hình online đang hỗ trợ tốt cho các nhà bán hàng đại trà, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, chi phí cho nền tảng online cũng không rẻ, có những người bán trả tới 35% chi phí bán hàng. Đó là yếu tố khiến các khách thuê của trung tâm thương mại đánh giá về cơ hội kinh doanh của kênh bán hàng và hiệu quả của kênh bán hàng.

Về vai trò của nhóm cổ đông mới, bà Hoa cho biết, những cổ đông mới không có kinh nghiệm trực tiếp về mảng trung tâm thương mại, nhưng họ có kinh nghiệm về bán lẻ. "Những nhà bán lẻ là yếu tố quyết định thành công của mô hình trung tâm thương mại. Kinh nghiệm phát triển bán lẻ của những cổ đông mới có thể chia sẻ cho Vincom Retail, đồng thời là kinh nghiệm về quản trị, điều hành", Phó chủ tịch Vincom Retail nói.

Bạn đang đọc bài viết "ĐHĐCĐ 2024 Vincom Retail (VRE): Lãnh đạo khẳng định không đổi tên sau khi Vingroup thoái vốn, đặt mục tiêu lãi sau thuế đạt 4.420 tỷ đồng" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).