Dự kiến mô hình tổ chức hệ thống Tòa án sau sắp xếp, tinh gọn

23/04/2025 21:00

Theo dự án Luật, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực.

Không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, cấp huyện

Sáng 23/4, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 2 để thẩm tra các dự án luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách, chuẩn bị cho Phiên họp thứ 44 của UBTVQH đợt 2 và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo chương trình phiên họp, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản.

Dự kiến mô hình tổ chức hệ thống Tòa án sau sắp xếp, tinh gọn- Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện; thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực. 

Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực (sửa đổi Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).

Về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, dự thảo Luật bổ sung thành phần của Hội đồng gồm 1 thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân, 1 Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, 1 Chánh án Tòa án nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ định để thay cho 3 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật hiện hành.

Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành sửa đổi, bổ sung Luật TAND năm 2024 để thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, bao gồm cả TAND; tán thành áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành dự án Luật này để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra theo chủ trương của Trung ương.

Về tổ chức bộ máy, các ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định tổ chức bộ máy TAND 3 cấp gồm: TAND tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực; giữ nguyên Tòa án quân sự. Kết thúc hoạt động TAND cấp cao, TAND cấp huyện.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, mục đích xây dựng Luật này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo 3 cấp là: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo chủ trương của Đảng. 

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất dự thảo Luật gồm 3 điều (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp).

Dự kiến mô hình tổ chức hệ thống Tòa án sau sắp xếp, tinh gọn- Ảnh 2.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Duy Giảng (Ảnh: Quochoi.vn).

Góp ý về nội dung này, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân  nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân theo định hướng không tổ chức cấp huyện, gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 60).

Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 2 thẩm phán TAND tối cao

Các ý kiến nêu rõ, Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 về trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến và quyết định bổ sung vào dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Các ý kiến tán thành phạm vi sửa đổi được xác định tại Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và dự thảo Luật, đó là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân nhằm thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo của 3 dự án Luật đã chủ động, khẩn trương, phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp trong quá trình xây dựng Hồ sơ các dự án Luật. Hồ sơ các dự án Luật đủ điều kiện trình UBTVQH tại phiên họp thứ 44 xem xét, cho ý kiến.

Bạn đang đọc bài viết "Dự kiến mô hình tổ chức hệ thống Tòa án sau sắp xếp, tinh gọn" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).