Tăng cường tính hiệu lực, bảo đảm tính thống nhất cho hệ thống pháp luật

08/05/2025 20:18

(Chinhphu.vn) - Các đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến giá trị, sâu sắc, thực tiễn nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tăng cường tính hiệu lực, bảo đảm tính thống nhất cho hệ thống pháp luật- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại thảo luận tổ

Chiều 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chuyển Tòa án nhân dân cấp huyện sang mô hình Tòa án nhân dân khu vực là phù hợp

Về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đóng góp một số ý kiến để việc Tổ chức Tòa án nhân dân hoạt động hiệu quả hơn sau khi sắp xếp, đổi mới.

Theo đó, việc chuyển từ Tòa án nhân dân cấp huyện sang mô hình Tòa án nhân dân khu vực là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có quy định chuyển tiếp về chức năng và nhiệm vụ của hội thẩm nhân dân cấp huyện.

Việc thành lập các Tòa chuyên trách như Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại các Tòa án khu vực sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Đại biểu Trần Thu Phước (Đoàn Kon Tum) với việc tái cấu trúc hệ thống Tòa án nhân dân theo mô hình 3 cấp (Tòa án nhân dân tối cao, cấp tỉnh và khu vực), là một bước đi đột phá, giúp tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng xét xử. 

Cũng theo Đại biểu Trần Thu Phước, việc triển khai mô hình mới của Tòa án nhân dân khu vực cần phải được tính toán cẩn thận về phạm vi địa lý và biên chế để đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tránh tạo ra các khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bước đi quan trọng trong cải cách tư pháp

Về sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các đại biểu khẳng định đây là bước đi quan trọng trong cải cách tư pháp và đánh giá việc sắp xếp lại hệ thống Viện kiểm sát theo mô hình 3 cấp là phù hợp với các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, cần phải có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định pháp lý liên quan để tránh phát sinh mâu thuẫn pháp lý sau khi Luật được ban hành.

TIN LIÊN QUANHình thức bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luậtĐổi mới toàn diện về xây dựng và thực thi pháp luật trong kỷ nguyên mớiĐổi mới toàn diện về xây dựng và thực thi pháp luật trong kỷ nguyên mới

Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ để đảm bảo người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa sau khi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện bị giải thể và chuyển giao nhiệm vụ cho các Viện kiểm sát khu vực, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, không để bất kỳ ai bị thiệt thòi trong quá trình cải cách.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng: Viện kiểm sát nhân dân là một trong các cơ quan tiến hành tố tụng, có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, việc thay đổi các nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy của Viện sẽ ảnh hưởng, tác động đến các cơ quan khác như: Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự... 

Chính vì vậy, theo Đại biểu Trần Quốc Tỏ việc nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cần phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các dự án Luật khác đang trong quá trình trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp này và các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao cử cán bộ cùng với các cơ quan Trung ương tổ chức tiếp công dân để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến kiến nghị, phản ánh...

Khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra

Về sửa đổi Luật Thanh tra, các đại biểu nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra nhằm bổ sung, hoàn thiện những quy định liên quan đến việc sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động thanh tra.

Theo quy định hiện hành, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã lược bỏ quy định về Thanh tra bộ; Thanh tra Tổng cục, cục thuộc bộ; cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…

Tại Điều 7, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra, gồm: Thanh tra Chính phủ; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) đánh giá cao việc cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra và nhấn mạnh đây là cuộc cách mạng rất lớn trong hoạt động thanh tra hòa chung vào cuộc cách mạng tinh gọn của hệ thống tổ chức bộ máy.

Đại biểu Thành đề nghị Chính phủ phải sớm nghiên cứu để có thể quy định trong luật hoặc là ban hành các văn bản như Nghị định quy định về hoạt động kiểm tra. Theo đại biểu Thành, trong dự thảo luật mới quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành. Khi không tổ chức hoạt động thanh tra của các bộ ngành thì vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra còn lại là rất lớn.

Phương Liên


Bạn đang đọc bài viết "Tăng cường tính hiệu lực, bảo đảm tính thống nhất cho hệ thống pháp luật" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).